Các ngân hàng trung ương mua gần 400 tấn vàng trong quý 3 năm 2022

WGC cho biết trong quý 3, các ngân hàng trung ương mua kỷ lục 399 tấn vàng, trị giá khoảng 20 tỷ USD, góp phần làm tăng nhu cầu với kim loại quý này của toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương mua gần 400 tấn vàng trong quý 3 năm 2022 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo báo cáo công bố ngày 1/11 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào gần 400 tấn vàng trong quý 3/2022, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này đưa tổng khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua trong năm nay, tính đến tháng 9/2022, lên mức 673 tấn, cao hơn so với bất cứ năm nào kể từ năm 1967.

WGC cho biết trong quý 3, các ngân hàng trung ương mua kỷ lục 399 tấn vàng, trị giá khoảng 20 tỷ USD, góp phần làm tăng nhu cầu với kim loại quý này của toàn cầu.

Báo cáo của WGC ghi nhận trong quý vừa qua, nhu cầu vàng từ các công ty kinh doanh trang sức vàng và khách mua vàng miếng và xu vàng vẫn lớn. Tuy nhiên, sức mua vàng của các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục (ETF) giảm.

[Giá vàng tăng trong phiên 1/11 tại châu Á nhờ đồng USD yếu đi]

Vàng thường được coi là tài sản an toàn trong những thời điểm kinh tế bất ổn, nhưng nhiều nhà đầu tư tài chính đã bán chứng chỉ quỹ ở các ETF bảo đảm bằng vàng khi lãi suất tăng.

WGC ghi nhận việc bán tháo vàng ở các ETF khiến giá vàng giảm 8% trong quý 3, nhưng đợt giảm giá này đã giúp kích thích nhu cầu đối với trang sức vàng.

Tổng cộng nhu cầu vàng của thế giới lên tới 1.181 tấn trong quý 3, tăng 28% so với mức 922 tấn vào cùng kỳ năm 2021.

Theo WGC, nhu cầu vàng của thế giới kể từ đầu năm đã vượt mức nhu cầu trước đại dịch.

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Qatar và Ấn Độ nằm trong số những ngân hàng đã mua với lượng lớn.

Lượng mua vàng miếng và xu vàng cũng tăng vọt ở Thổ Nhĩ Kỳ, lên 46,8 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái, do người dân tăng mua vàng để đề phòng khi lạm phát đang ở mức hơn 83%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.