Các ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh tăng 7,3%

Trong 7 tháng qua, chỉ số phát triển công nghiệp TP.HCM ước tăng 7,05%; trong đó một số ngành tăng cao như sản xuất đồ uống tăng 14,3%, sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 21,3%.
Các ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh tăng 7,3% ảnh 1(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Trong 7 tháng qua, chỉ số phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ước tăng 7,05% (cùng kỳ tăng 6,6%); trong đó một số ngành tăng cao như sản xuất đồ uống tăng 14,3%, sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 21,3%, máy móc thiết bị tăng 32,1%...

Đặc biệt, trong tháng Bảy vừa qua chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố tăng 3,1%, một số ngành tăng cao như sản xuất xe có động cơ tăng 30,3%, sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 34,3%, giấy và sản phẩm từ giấy tăng 22,4%...

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) nhờ chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh đã tăng trưởng 7,3% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành.

Cụ thể, ngành cơ khí-chế tạo ước tăng 5,6% và chuyển dịch với việc đầu tư nhiều trang thiết bị mới có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Nhiều công nghệ, trang thiết bị thế hệ mới như hệ thống thiết bị chế tạo, gia công cơ khí tự động... kết hợp với các phần mềm điều khiển, thiết kế, tính toán kết cấu đã được các doanh nghiệp trong ngành cơ khí của thành phố ứng dụng trong sản xuất, chế tạo máy.

Ngành điện tử-công nghệ thông tin trong thời gian qua có mức tăng trưởng nhanh, ước tăng 8,6%, ngày càng phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học-kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư các dự án sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử…

Ngành công nghiệp hóa chất-nhựa-cao su ước tăng 1,2%, phát triển theo hướng bảo vệ môi sinh, môi trường và tăng giá trị gia tăng. Các sản phẩm săm lốp xe máy, ôtô không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu. Công nghệ và thiết bị trong sản xuất chất tẩy rửa, mỹ phẩm không ngừng được cải tiến và đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến.

Đặc biệt, ngành chế biến tinh lương thực-thực phẩm trong thời gian qua có bước phát triển nhanh, ước tăng 11,7%.

Ngành đã chuyển sang tinh chế cũng như ứng dụng trong sản xuất những công nghệ sản xuất mới, công nghệ chế biến tiên tiến, từ đó cho ra đời những sản phẩm tinh chế chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn.

Cũng trong tháng Bảy qua, hoạt động đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao và hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp, triển khai công tác nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư.

Giá trị xuất khẩu khu vực này ước đạt 3,16 tỷ USD; trong đó giá trị nhập khẩu ước đạt 3,17 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.