Theo phóng viên TTXVN tại Anh, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của nước này đang phải xem xét lại các chuỗi cung ứng đến Ireland và các thị trường châu Âu khác nhằm tìm cách tránh thuế quan do thỏa thuận thương mại hậu Brexit của Anh với Liên minh châu Âu (EU).
Hiệp định Thương mại và Hợp tác giữa Anh và EU đạt được vào đúng đêm Giáng sinh đã giúp hàng hóa của Anh tránh được thuế quan và hạn ngạch khi vào thị trường EU, nhưng bên cạnh đó phải tuân thủ các quy định chi tiết về nguồn gốc xuất xứ để tránh tạo kẽ hở cho hàng hóa tạm nhập tái xuất hoặc hàng được sản xuất với phần lớn nguyên liệu từ bên ngoài Anh và EU.
Trước những thay đổi này, hơn 100 giám đốc điều hành của các doanh nghiệp bán lẻ Anh đã tổ chức một cuộc đối thoại trực tuyến với các quan chức chính phủ vào ngày 7/1.
Tại cuộc đối thoại, Cố vấn chính sách thương mại của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Anh, ông William Bain cho biết có ít nhất 50 doanh nghiệp đang phải đối mặt với các mức thuế tiềm tàng đối với hàng hóa tái xuất.
Theo ông Bain, những quy tắc xuất xứ trong hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa nhưng các doanh nghiệp cần một giải pháp phản ánh đúng tình hình về nhu cầu chuỗi cung ứng và phân phối giữa Anh và EU.
[Chi phí vận chuyển hàng hóa sang Anh tăng gấp 4 lần sau Brexit]
Hiện một số công ty Anh, bao gồm John Lewis và TK Maxx, đã tạm ngừng giao dịch với khách hàng ở Bắc Ireland, nơi vẫn tuân theo các quy tắc hải quan của EU.
Trong khi đó, những doanh nghiệp khác đang phải cố gắng tìm hiểu xem họ có thể tiếp tục cung cấp hàng hóa từ Anh cho hệ thống cửa hàng của mình ở EU hay không.
Giám đốc điều hành của New Look, doanh nghiệp có 27 cửa hàng ở Ireland nhập hàng từ Anh, ông Nigel Oddy cho biết công ty của mình đang trong quá trình tìm hiểu các quy định mới và điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng cũng như việc giao hàng tới thị trường EU.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang tính tới việc tránh thuế quan bằng cách sử dụng các quy trình vận chuyển và kho ngoại quan, nhưng cách làm này sẽ chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn do bị tăng thêm chi phí.
Chuỗi thời trang NEXT là đơn vị tiên phong trong thực hiện cách tiếp cận này. Công ty Dixons ở Scandinavia chọn cách nhập khẩu trực tiếp vào các kho hàng ở EU.
Trong khi đó, tập đoàn thời trang giải trí JD Sports ngay từ năm ngoái cũng đã nghiên cứu tích trữ hàng hóa tại các kho hậu cần ở châu Âu để tránh bị đánh thuế hàng hóa nhập khẩu, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc vốn lưu động của công ty sẽ bị đọng trong hàng hóa lưu kho và tác động tới dòng tiền kinh doanh cũng như kế hoạch trả nợ.
Theo Hiệp định Thương mại và Hợp tác Anh-EU, để đủ điều kiện được hưởng thuế suất bằng 0, hàng hóa của hai bên phải có tối thiểu 50% nguồn gốc xuất xứ từ hai thị trường này.
Tuy nhiên, rắc rối nảy sinh khi các bên phải xem xét hàng hóa nhập khẩu từ các nước được miễn thuế theo Hệ thống ưu đãi toàn cầu. Đơn cử như quần áo nhập khẩu vào Anh từ Campuchia, Myanmar và Bangladesh sẽ được miễn thuế theo hệ thống trên, nhưng nếu được tái xuất sang EU sau khi đã cộng thêm giá trị gia tăng thì sẽ bị áp thuế./.