Các nhà đầu tư chiến lược đề xuất giải pháp phát triển TP Hồ Chí Minh

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề để thành phố chuyển trọng tâm từ phòng chống dịch sang phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiến tạo nền tảng để bứt phá.
Các nhà đầu tư chiến lược đề xuất giải pháp phát triển TP Hồ Chí Minh ảnh 1Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngày 22/3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức "Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2030" với sự góp mặt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đặt ra từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đặt ra mục tiêu thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp."

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo thành phố mong muốn gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời lắng nghe các đề xuất, kiến nghị và các hiến kế cho các định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn cùng phát triển nhanh, bền vững.

Các nhà đầu tư chiến lược đề xuất giải pháp phát triển TP Hồ Chí Minh ảnh 2Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thông tin về định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, thành phố đặt ra 5 nhiệm vụ chính là huy động hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở tiếp tục chủ động đề xuất Trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, khơi thông nguồn lực phát triển; tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công để thực hiện các đề án ưu tiên triển khai để tạo động lực và sự lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế; chỉnh trang đô thị gắn với nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao chất lượng, tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm thâm dụng lao động, ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh liên kết vùng, nâng tầm vị trí của thành phố.

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề để thành phố chuyển trọng tâm từ phòng chống dịch sang phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kiến tạo nền tảng để bứt phá hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã được đề ra.

[TP.HCM tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022]

Để thực hiện hóa, Thành phố Hồ Chí Minh đang kiến nghị với các cơ quan trung ương nhiều nhóm vấn đề lớn, quan trọng, thiết thực, cấp bách, có tính chất chiến lược lâu dài gồm xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án đường vành đai 3; điều chỉnh tăng mức trần vốn đầu tư công trung hạn; Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Tài chính quốc tế; đề xuất cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, song song việc kiến nghị đến các cơ quan trung ương, thành phố rất xem trọng và mong muốn được lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về các giải pháp có thể thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra, cũng như đề xuất các chính sách, sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông tối đa các nguồn lực trong xã hội; tham gia đề xuất các dự án lớn, có tính chất lan tỏa, tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế mà thành phố cần tập trung đầu tư hoặc ưu tiên mời gọi nhà đầu tư để triển khai thực hiện.

Các nhà đầu tư chiến lược đề xuất giải pháp phát triển TP Hồ Chí Minh ảnh 3Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh gặp gỡ doanh nghiệp bên lề hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ông Park Hyun Bae, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn KCTC Việt Nam đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hậu cần logistics, bởi hiện nay các cảng của thành phố đều đang chịu áp lực lớn.

Điển hình như cảng Cát Lái, đây là cảng lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Theo đó, mỗi năm lượng hàng hóa thông quan qua cảng Cát Lái tăng tới 30%, trong khi hạ tầng cảng đã được xây dựng từ năm 2007, cách đây 15 năm dẫn đến nguy cơ ùn ứ và quá tải.

Theo ông Park Hyun Bae, thành phố cần nâng cấp hạ tầng các cụm cảng lân cận, kết nối cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước để giảm áp lực thông quan hàng hóa và tận dụng được các hệ thống hậu cần của công ty vận tải, logistics…

Song song đó, cần ứng dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, AI, Big Data, hạn chế việc làm thủ tục trực tiếp nhằm giảm ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm, cân đối giữ nhu cầu phát triển và tình trạng phi tập trung con người.

Cũng liên quan đến vấn đề logistics, ông Boris Koman, Tổng Giám đốc hãng tàu MSC chia sẻ, Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có lợi thế nằm trên tuyến đường vận tải biển quan trọng, kết nối khu vực châu Á với các châu lục khác. Tuy nhiên, các cảng biển của Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng mới chỉ xử lý được trên 50% công suất thiết kế.

Theo ông Boris Koman, MSC có kế hoạch xây dựng một kho hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với các cảng biển lớn trên thế giới; trong đó, hoạt động dịch vụ, logistics sẽ giữ vai trò quan trọng trong vận tải, nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển không chỉ cho doanh nghiệp thành phố mà còn đáp ứng như cầu các tỉnh lân cận.

Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được thành phố hỗ trợ phê duyệt thủ tục để nhanh chóng đưa dự án vào triển khai, góp phần nâng cao năng lực cho dịch vụ cảng biển ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn thành phố sớm nâng cấp, mở rộng các tuyến đường vào cảng để việc lưu thông hàng hóa nhanh chóng, nâng cao hiệu suất sử dụng kho và cảng biển.

Trong khi đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đề xuất đầu tư nhiều nhóm dự án quan trọng như Trung tâm tài chính, cửa hàng miễn thuế, khu trung tâm mua sắm cao cấp tại trung tâm thành phố, khu đô thị tài chính thương mại, tổng kho dịch vụ hậu cần logistics tại thành phố Thủ Đức và chương trình giáo dục trí tuệ thông minh AI.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nền tài chính của thành phố là kênh dẫn vốn rất quan trọng cho cả nền kinh tế, trong khi nhu cầu nguồn lực để phát triển cho thành phố trong 25 năm tới là rất lớn, nhưng nguồn lực trong nước vẫn chưa đảm bảo, thì nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng.

Để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, chúng ta cần có các cơ chế chính sách ưu đãi đột phá mang tính cạnh tranh quốc tế. Tương tự, việc phát triển hệ thống vận chuyển hàng hóa một cách chuyên nghiệp trong thời đại kỷ nguyên số, thương mại điện tử và xuất nhập khẩu tăng cao như hiện nay là rất cần thiết để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Đánh giá cao những góp ý, hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, những kiến nghị nêu trên cho thấy tâm tư nguyện vọng và mong muốn lớn lao của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Sự tin cậy, đồng hành và gắn bó của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định đến sự thành công, giúp Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi nhanh và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp thu các ý kiến góp ý của các doanh nghiệp một cách cầu thị nhất và chỉ đạo các sở, ban ngành khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các định hướng phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2030. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo kiều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.