Các nhà khoa học Australia phát triển hydrogel điều trị bệnh Parkinson

Khi lắc chất gel này, hydrogel chuyển thành chất lỏng và dễ dàng truyền vào não thông qua một mao quản nhỏ, sau đó chất gel này trở lại dạng rắn, lấp đầy những lỗ hổng có hình dạng bất thường.
Các nhà khoa học Australia phát triển hydrogel điều trị bệnh Parkinson ảnh 1Giáo sư Nisbet. (Nguồn: Reuters)

Theo hãng tin Reuters, các nhà nghiên cứu của Australia đã tạo ra một chất hydrogel có thể sử dụng để điều trị bệnh Parkinson và các bệnh lý thần kinh khác.

Một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết các nhà nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Australia phối hợp với Viện Khoa học thần kinh và sức khỏe tâm thần Florey đã phát triển một chất gel gồm các axit amin có thể tiêm vào não bộ giúp chữa trị các tổn thương.

Khi lắc chất gel này, hydrogel chuyển thành chất lỏng và dễ dàng truyền vào não thông qua một mao quản nhỏ. Sau đó, chất gel này trở lại dạng rắn, lấp đầy những lỗ hổng có hình dạng bất thường và giúp vận chuyển an toàn các tế bào gốc thay thế đến những phần thương tổn của não bộ.

Theo Giáo sư David Nisbet thuộc Đại học Quốc gia Australia, đây là phương pháp can thiệp một lần duy nhất, theo đó bệnh nhân Parkinson khi nhập viện sẽ chỉ cần phương pháp điều trị này là có thể tránh được nhiều triệu chứng bệnh trong những năm tiếp theo.

[Phát hiện mới mang đến hy vọng cho các bệnh nhân Parkinson]

Đến nay, loại gel này đã được thử nghiệm ở động vật và chứng tỏ hiệu quả trong chữa trị những rối loạn chức năng vận động do bệnh Parkinson gây ra ở chuột. Loại gel này cũng có thể được dùng để bổ trợ cho những người đã mắc các bệnh lý khác liên quan thần kinh như đột quỵ.

Giáo sư Nisbet hy vọng loại gel trên sẽ bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trong năm năm tới, sau khi chứng tỏ an toàn để sử dụng ở người. Ông Nisbet cho biết thêm chi phí sản xuất hydrogel khá thấp và có thể dễ dàng sản xuất đại trà khi được cấp phép sử dụng trong điều trị lâm sàng.

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh lý về thần kinh, thường xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, không kiểm soát được vận động của cơ bắp khiến con người đi lại khó khăn, cử động chậm chạp và chân tay bị run cứng.

Hiện chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson mà chỉ có những phương pháp trì hoãn tiến trình phát triển bệnh. Ước tính khoảng 100.000 người Australia đang sống chung với bệnh Parkinson, trong khi trên toàn cầu có hơn 100 triệu người mắc bệnh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.