Các nhà khoa học Italy công bố hình ảnh của biến thể Omicron

Hình ảnh khoa học chứng minh biến thể Omicron có nhiều gai protein đột biến hơn, vùng tiếp xúc với tế bào trước khi xâm nhập rộng hơn, chứng minh khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Delta.
Các nhà khoa học Italy công bố hình ảnh của biến thể Omicron ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Ngày 27/11, nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi khoa Bambino Gesu tại thủ đô Rome của Italy đã công bố hình ảnh đầu tiên của Omicron, loại biến thể nguy hiểm mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi, được đánh giá nguy hiểm hơn cả biến thể đang lây lan rộng hiện nay Delta.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy hình ảnh khoa học chứng minh biến thể Omicron có nhiều gai protein đột biến hơn, vùng tiếp xúc với tế bào trước khi xâm nhập có diện tích rộng hơn, chứng minh khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến thế Delta hiện nay.

Số lượng đột biến của biến thể Omicron là 43, lớn hơn nhiều so với số lượng đột biến của biến thể Delta là 18.

Các nhà khoa học lưu ý rằng những thay đổi này cho thấy virus có thể đã thích nghi tốt hơn với con người. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói liệu những đột biến này kết hợp với nhau có thực sự khiến Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2 hay không.

[Biến thể Omicron nguồn gốc Nam Phi gây lo ngại trên toàn thế giới]

Những nghiên cứu mới nhất chỉ mới chứng minh được tốc độ lây lan nhanh của biến thể mới, chứ chưa thể xác định mức độ kháng vaccine của biến thể này.

Omicron lần đầu tiên được phát hiện tại Botswana vào đầu tháng 11/2021 và chiếm đa số các ca lây nhiễm COVID-19 ở một khu vực tại Nam Phi. Biến thể mới đã lan rộng ra ngoài lục địa châu Phi.

Cũng trong ngày 27/11, Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại nước này. ISS cho biết biến thể Omicron được phát hiện trong mẫu xét nghiệm của một bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, nhập cảnh vào Italy từ Mozambique. Người này cùng người thân đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt.

Trước đó, ngày 26/11, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh đối với những người từng đến Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini trong 14 ngày qua.

Bộ trưởng Speranza nêu rõ: "Các nhà khoa học của chúng tôi đang nghiên cứu biến thể B.1.1.529. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ (thực hiện các biện pháp) thận trọng nhất có thể."

Spallanzani, bệnh viện Bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Italy tại Rome, đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để nghiên cứu dữ liệu liên quan đến biến thể Omicron mới và cho biết họ đang liên hệ với các chuyên gia từ Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi để "theo dõi xu hướng lây lan của biến thể và các biện pháp ngăn chặn” phù hợp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã tuyên bố Omicron có nguồn gốc từ Nam Phi là một biến thể mới thuộc nhóm “biến thể đáng quan ngại.” Tổng Giám đốc WHO khẳng định biến thể Omicron có một số lượng lớn đột biến, trong đó có một số đột biến đáng lo ngại, do đó ông kêu gọi các quốc gia tăng tốc đảm bảo công bằng vaccine càng sớm càng tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.