Các nhà sản xuất ôtô Canada hối thúc nối lại đàm phán FTA với Nhật Bản

Các nhà sản xuất ôtô của Canada đang hối thúc chính phủ nối lại các cuộc đàm phán thương mại tự do với Nhật Bản do lo ngại những tác động có thể xảy ra sau khi Mỹ rút khỏi TPP.
Các nhà sản xuất ôtô Canada hối thúc nối lại đàm phán FTA với Nhật Bản ảnh 1Xe của Hãng Honda trưng bày tại trụ sở công ty ở Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà sản xuất ôtô của Canada đang hối thúc chính phủ nước này nối lại các cuộc đàm phán thương mại tự do với Nhật Bản do lo ngại những tác động có thể xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, trong thư gửi tân Bộ trưởng Thương mại Quốc tế François-Philippe Champagne, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Canada tại Nhật Bản (JAMAC) bày tỏ ủng hộ xóa bỏ thuế nhập khẩu các loại ôtô, áp dụng quy định mới về nguồn gốc xuất xứ xe và phụ tùng xe giống như đã được thống nhất trước đó trong TPP.

Giám đốc điều hành JAMAC, ông David Worts, nhấn mạnh nếu như TPP không thể được thực hiện do quyết định của Mỹ, JAMAC sẽ kêu gọi hai chính phủ Canada và Nhật Bản nối lại và nhanh chóng hoàn tất đàm phán về Thỏa thuận Đối tác kinh tế (EPA) bị ngừng lại từ cuối năm 2014 do phải tập trung vào TPP.

Theo giải thích trong thư, hai tập đoàn Honda Motor Co. Ltd. và Toyota Motor Corp. của Nhật Bản đã đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án xây mới và nâng cấp các nhà máy lắp ráp ôtô tại Canada.

Do đó, việc Canada áp thuế nhập khẩu 6,1% đối với xe hơi Nhật Bản sẽ gây bất lợi cho hai hãng này nếu so với các đối thủ cạnh tranh từ Hàn Quốc.

Hiện tại, các nhà sản xuất ôtô của Hàn Quốc như Hyundai Motor Co. và Kia Motors Corp được miễn thuế khi xuất khẩu xe sang thị trường Canada theo thỏa thuận trong FTA song phương có hiệu lực từ 1/1/2015.

JAMAC đưa ra bức thư trên sau khi Tổng thống Mỹ Trump ký sắc lệnh hành pháp chính thức rút Mỹ khỏi TPP.

Theo lời giải thích của ông Sean Spicer, Thư ký báo chí của Tổng thống Trump, các thỏa thuận đa phương như TPP mang lại rất ít lợi ích cho Mỹ.

Ông Spicer nhiều lần khẳng định Washington thiên về các thỏa thuận song phương.

Ngoài việc hối thúc Chính phủ Canada và Nhật Bản nhanh chóng nối lại đàm phán EPA, JAMAC cũng bày tỏ quan ngại về việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Theo Giám đốc điều hành Worts, các nhà sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô trong khu vực đang được hưởng lợi lớn từ sự hội nhập sâu rộng và sự vận hành hiện tại của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kể từ khi NAFTA chính thức có hiệu lực năm 1994, ngành công nghiệp xe hơi Bắc Mỹ đã tái cơ cấu mạnh mẽ để tận dụng lợi thế nhân công rẻ ở Mexico, lợi thế từ các thỏa thuận thương mại tự do với hơn 40 nước và vị thế đắc địa kết nối Mỹ với khu vực Nam Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.