Các công ty ôtô Trung Quốc đang xây dựng những nhà máy lớn ở Đông Nam Á, biến mức giá rẻ thành vũ khí trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu Nhật Bản đang chiếm hơn 70% thị phần trong khu vực, theo Nikkei Asian Review.
Lý do để ăn mừng
Triển lãm Động cơ Quốc tế Thái Lan khai mạc hồi cuối tháng 11 vừa qua ở gần Bangkok mang đến một không khí ảm đạm khác thường.
Một số nhà sản xuất ôtô, bao gồm cả Toyota đã quyết định không bật nhạc nền ở gian hàng của họ để bày tỏ lòng kính trọng với đức vua Bhumibol Adulyadej vừa qua đời.
Tuy nhiên, đó không phải là lựa chọn của SAIC-CP Motor, một liên doanh giữa công ty thuộc sở hữu nhà nước SAIC Motor có trụ sở ở Thượng Hải - thủ phủ sản xuất ôtô lớn nhất Trung Quốc và tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan.
Liên doanh này đã quảng bá cho hai mẫu ô tô của họ với âm nhạc và video sôi động, cùng những tràng vỗ tay không dứt của các nhân viên. Mẫu xe MS GS của liên doanh được mời chào như một chiếc xe thể thao đầy đủ tiện ích với giá phải chăng.
SAIC đã khởi công xây dựng một nhà máy ở tỉnh Chonburi miền đông Thái Lan hồi cuối tháng 10 vừa rồi. Với sản lượng hàng năm là 200.000 chiếc ôtô, đây sẽ là một trong những nhà máy lớn nhất đặt ngoài lãnh thổ của công ty này.
SAIC không tiết lộ chi phí xây dựng nhà máy, nhưng một tờ báo ở Thái Lan đã ước tính rằng số tiền bỏ ra là không dưới 30 tỷ Baht (khoảng 842 triệu USD).
SAIC và General Motors cũng đã bắt tay xây dựng một nhà máy trị giá 700 triệu USD ở Indonesia với công suất hàng năm là 150.000 chiếc xe hiệu Wuling.
SAIC có chiến lược tiếp thị xe hơi giá phải chăng rất mạnh mẽ. Mẫu xe MG3 nhỏ gọn chiếm tới 70% doanh số của công ty có mức giá thấp hơn khoảng 20% so với mẫu xe Vios của đối thủ Toyota.
"Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết chiếc xe có thiết kế đẹp như vậy lại có mức giá rẻ," một giáo viên ở Bangkok, người đã mua một chiếc ô tô MG3 hồi 6 tháng trước cho biết.
"Do tên tuổi của chúng tôi chưa được nhiều người biết đến, chiến lược về giá sẽ là chìa khóa thành công," Pongsak Lertrudeewattanawong, phó chủ tịch MG Sales, nhà phân phối của SAIC-CP ở Thái Lan cho biết.
Cứ lắp ráp đi, sẽ có người mua
Beiqi Foton Motor, nhà sản xuất ôtô thương mại lớn nhất Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên xuất hiện tại hội chợ ô tô Thái Lan. Đầu tháng này, công ty sẽ xây dựng một nhà máy ở Thái Lan có thể sản xuất 10.000 xe bán tải mỗi năm. Thái Lan sẽ là địa điểm sản xuất tại nước ngoài thứ ba của Foton, sau Nga và Ấn Độ.
Giá cả hợp lý có thể giúp SAIC Motor và các doanh nghiệp sản xuất ôtô khác chiếm được thị phần.
Geng Chao, giám đốc chi nhánh Thái Lan của Foton cho biết công ty dự định sẽ biến Thái Lan thành "điểm tựa cho sự dịch chuyển toàn phần sang Đông Nam Á." Tổng vốn đầu tư đã vượt quá 1 tỷ baht, và công ty đã lên kế hoạch mua hơn 55% số linh kiện tại địa phương như một cách thúc đẩy tính cạnh tranh về giá.
Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cũng đổ rất nhiều vốn vào ôtô điện. Công ty mẹ của Foton là BAIC Group có trụ sở ở Bắc Kinh sẽ bắt đầu đưa một nhà máy lắp ráp ôtô điện tại Malaysia vào vận hành vào năm tới.
Tháng trước, công ty cũng đã công bố các mẫu ôtô điện với vô lăng bên phải để phù hợp lưu thông trên đường phố Malaysia và Thái Lan.
Những bước chuyển dịch sang Đông Nam Á của SAIC và BAIC, hai doanh nghiệp nhà nước là phù hợp với Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kết nối giao thông khắp châu Á, được kỳ vọng sẽ dẫn tới việc gia tăng nhu cầu sở hữu xe bán tải và xe thương mại. Nhu cầu ôtô chở khách của tầng lớp trung lưu ở châu Á theo đó cũng sẽ tăng lên.
Các khoản đầu tư của các nhà sản xuất ôtô vào Đông Nam Á là rất lớn, và sự táo bạo của họ cho thấy kỳ vọng là chính phủ Trung Quốc sẽ lo liệu cho bất cứ khoản lỗ nào.
Thị phần xuất khẩu ôtô của Trung Quốc tại khu vực đang tăng lên do nền kinh tế của các đối tác thương mại chủ chốt là Nga và Brazil đã kém sôi nổi.
Người dân Đông Nam Á được dự đoán sẽ mua hơn 30% ôtô xuất khẩu từ Trung Quốc trong năm nay - tăng gấp đôi thị phân năm 2014. Mức độ tiếp nhận các sản phẩm ô tô của khu vực đã khuyến khích các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đầu tư mạnh tay hơn.
Không nhanh đến thế
Sản lượng đầu ra của cả hai nhà máy SAIC đã nêu chỉ cộng thêm khoảng hơn 10% doanh số bán ô tô mới hàng năm ở Đông Nam Á. Nếu những cơ sở này làm việc hết công suất, sản lượng của SAIC ở khu vực sẽ bắt kịp các nhà sản xuất ôtô giá rẻ ở Nhật Bản.
Tuy nhiên thị phần của các công ty sản xuất ôtô của Trung Quốc tại 6 thị trường lớn nhất khu vực đã giảm đi còn 0.2%. Một nhà phân tích sản xuất ôtô ở Thái Lan đã chỉ ra rất nhiều vấn đề về kiểm soát chất lượng, giá trị bán lại cực thấp và thiếu các cửa hàng sửa chữa ôtô.
"Thành thật mà nói, sẽ khó cho [các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc] trở thành mối đe dọa với các đối thủ Nhật Bản," Sanshiro Fukao, nhà nghiên cứu trưởng tại Viện Nghiên cứu Hamagin cho biết.
Tuy nhiên theo Fukao, những chiếc ôtô điện của Trung Quốc đã theo kịp thị trường nhanh hơn so với các sản phẩm Nhật Bản.
"Thái Lan và các nước khác đang thúc đẩy sử dụng xe chạy điện, và điều này sẽ cho các công ty Trung Quốc một cánh cửa để chiến thắng," Fukao nhận định./.