Những năm gần đây, các nhà thiết kế Việt Nam đang dần bắt nhịp với thị trường thời trang quốc tế bằng các tuần lễ thời trang Xuân-Hè, Thu-Đông, tổ chức gần như cùng thời điểm với các Tuần lễ thời trang lớn trên thế giới. Các nhà thiết kế trẻ cũng tỏ ra nhạy bén hơn với các khuynh hướng.
Thế nhưng thực tế là cả thị trường thời trang thế giới cũng đang trong giai đoạn “biến động khôn lường.” Vì thế nhà thiết kế Minh Hạnh đã đưa ra những cảnh báo dành cho các thế hệ trẻ trong câu chuyện nói về thời trang và sự chuyên nghiệp.
Giá thành quyết định sự tồn tại của nhà thiết kế
Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ rằng trong dòng chảy của thời đại, nếu như cuộc sống bình yên thì khuynh hướng thời trang cũng bình yên và khi cuộc sống không bình yên thì khuynh hướng thời trang cũng không bình yên. Và chúng ta đang ở trong thời điểm không-bình-yên. Với thời trang, thế giới không có bốn mùa mà có tất cả sáu mùa. Các nhà thiết kế làm việc hai mùa của Ready to Wear Xuân-Hè, Thu-Đông, hai mùa dự báo tiếp theo và hai mùa Haute Couture.
“Năm nay, bỗng dưng tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, là những đường kẻ, đường carô, đường sọc bắt đầu bớt dần đi nhường lại cho một khuynh hướng khác mà tôi cho rằng rất phù hợp với phụ nữ Việt Nam đó chính là những nếp gấp. Tôi gọi là khuynh hướng của những nếp gấp chứ không muốn gọi là bèo nhún. Vì bèo nhún là một kỹ thuật bình thường của thợ may còn nếp gấp là kỹ thuật của 3D. Hiện nay, có rất nhiều hình dáng giúp chúng ta tạo thành phom trên nếp gấp, nhưng bắt buộc các nhà thiết kế phải hiểu được cấu trúc thực sự của cơ thể, của trang phục và các bạn sẽ phải thể hiện bằng hình dáng đơn giản. Đó là một thách thức,” nhà thiết kế Minh Hạnh nói.
Là người đã dành gần như cả đời để nghiên cứu các chất liệu truyền thống cũng như các khuynh hướng thời trang, “cánh chim đầu đàn” của làng thời trang Việt Nam nhận định, tất cả các nhà thiết kế châu Á hiện nay đều thật sự quá mệt mỏi vì những biến động khôn lường của thị trường.
Chị cho biết đã gặp các nhà thiết kế gạo cội của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Pháp, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ… và hầu hết họ đều nói rằng thị trường hiện nay quá thấp và không biết giới thiết kế có thể tồn tại được hay không.
Đây cũng là một trong những điều mà các nhà thiết kế đang phải suy nghĩ. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, có một nhà thiết kế Pháp luôn luôn đứng ở vị trí ‘đỉnh của đỉnh’ trên thế giới hiện nay cũng đã phải chấm dứt việc đưa ra nhiều khái niệm trong các thiết kế của mình để tập trung đưa đúng những gì thị trường cần.
“Dĩ nhiên các nhà thiết kế đều phải rất thận trọng. Vì sao? Bởi vì giá thành sẽ quyết định việc các bạn tồn tại hay không tồn tại. Đợi đến khi nào các sản phẩm thiết kế sale 50% đang là khuynh hướng mua sắm hiện nay của thị trường tiêu dùng thế giới và đó là thái độ của tất cả mọi người đối với thời trang. Đây cũng là sự cảnh báo đối với các nhà thiết kế Việt Nam hiện nay,” nhà thiết kế Minh Hạnh nhấn mạnh.
Thời trang và câu chuyện chuyên nghiệp
Khi được hỏi, chính xác thì sự chuyên nghiệp trong thời trang là gì? Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết câu hỏi cũng chính là cảnh báo. Chị bảo hãy dành cho các bạn trẻ trả lời điều đó. Bởi chị khẳng định mình luôn luôn phải là người chuyên nghiệp.
“Muốn đi theo con đường thời trang chuyên nghiệp thì cần tính tiên phong của mỗi bộ sưu tập. Mỗi bộ sưu tập đó phải phản ánh được mùa của các thiết kế, tức là chúng ta sẽ phải có một bộ sưu tập dành cho Xuân Hè và một bộ sưu tập dành cho Thu Đông. Bên cạnh đó, tính khuynh hướng cũng như tính dự báo về xu hướng thời trang cũng phải thể hiện được rõ nét cũng như khắc họa được tất cả ý tưởng mà nhà thiết kế gửi gắm,” nhà thiết kế Hùng Việt bày tỏ quan điểm.
Anh cũng cho rằng, tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở sự phân định giữa các bộ sưu tập, tức là giữa các dòng sản phẩm Ready to Wear và Haute Couture. Với dòng sản phẩm đỉnh cao Haute Couture, mỗi nhà thiết kế nếu trải qua được sự chuyên sâu của dòng sản phẩm Ready to Wear thì sẽ bắt nhịp được cũng như tìm được giải pháp, thủ pháp để thực hiện được bộ sưu tập Haute Couture.
Thực tế, các nhà thiết kế khi đã hoàn toàn làm chủ với Ready to Wear, muốn “chạm” tới Haute Couture thì tất cả đội ngũ thợ đều phải là những nghệ nhân. Bởi nếu không các thiết kế sẽ rất khó trở thành những tác phẩm hoàn hảo. Haute Couture là hoàn hảo.
Thành công ở một cuộc thi hát nhưng cuối cùng Hà Duy lại chọn con đường thời trang, con đường mà cậu có thể đi tới cùng, kể cả khi về già. Là nhà thiết kế trẻ, với Duy chuyên nghiệp chính là trách nhiệm với chính những sản mình làm ra khi giới thiệu với khách hàng, công chúng ở showroom; là sự gắn bó cả chặng đường dài như bậc tiền bối Minh Hạnh.
“Sáng tạo, tích lũy không chỉ kiến thức về thời trang mà còn học hỏi kiến thức xã hội, văn hóa để trau dồi thêm cho những sáng tạo trong mỗi bộ sưu tập. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi nhà thiết kế trẻ cần phải học,” Hà Duy chia sẻ./.