Các nước ASEAN cần hội nhập với nhau để thu hút đầu tư nước ngoài

ASEAN là một trong những khu vực thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trên thế giới. Tuy vậy, với từng nền kinh tế ASEAN rất khó cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư với các nền kinh tế khác lớn hơn.
Việt Nam sẽ tiếp quản vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam sẽ chính thức tiếp quản vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 2020. Với thế và lực mới của đất nước sau 10 năm kể từ năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã và đang sẵn sàng để tiếp tục khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình trong Cộng đồng ASEAN, duy trì đà tiến triển của ASEAN trong đời sống chính trị toàn cầu.

Để đảm nhiệm và thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Công Thương phấn đấu đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong ASEAN, tích cực củng cố đoàn kết, gắn bó giữa các nước thành viên và nâng cao sức mạnh nội khối cũng như năng lực ứng phó trước những thách thức.

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, với chức trách và nhiệm vụ được giao, cơ quan này đã và đang triển khai các kế hoạch hành động chuẩn bị cho sự kiện này.

- Thưa ông, để các nước trong khối ASEAN có thể hỗ trợ, bổ trợ cho nhau nên việc tạo ra không gian sản xuất chung là một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác kinh tế ASEAN. Ông có thể cho biết cụ thể về mục tiêu này?

Ông Lương Hoàng Thái: ASEAN gồm nhiều nền kinh tế đa dạng cả về trình độ phát triển, quy mô cũng như cả về các ngành nghề sản xuất khác nhau. Một đặc trưng nữa là từng nước ASEAN nếu đứng riêng lẻ mà cạnh tranh với các đối tác bên ngoài sẽ rất khó khăn, nên việc hợp tác để tạo ra không gian sản xuất chung rất quan trọng.

Cơ sở trước đây của hợp tác sản xuất chung được dựa trên hai nội dung quan trọng, trong đó thứ nhất là phải củng cố hợp tác nội khối với nhau. Ví dụ, giữa các nước ASEAN phải có tính kết nối thì lúc đó mới có thể nói được đến là một không gian sản xuất chung.

Những kết nối này đã được tập trung làm rất mạnh và xuyên suốt trong tất cả các năm của ASEAN, dự kiến trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN thì công việc này cũng sẽ được thúc đẩy.

Tiếp đến, để tạo thành không gian sản xuất chung chính là sức hút để thu hút đầu tư nước ngoài. Thực tế ASEAN là một trong những khu vực thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trên thế giới. Tuy vậy với từng nền kinh tế ASEAN rất khó để cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư với các nền kinh tế khác lớn hơn. Chính vì vậy ASEAN khi có những bước hội nhập với nhau thì có thể sẽ thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn.

Ông Lương Hoàng Thái Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên-Bộ Công Thương đang trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Trên thực tế, việc thu hút đầu tư trong khối ASEAN cũng như trong cộng đồng kinh tế ASEAN với các nền kinh tế khác ra sao, thưa ông?

Ông Lương Hoàng Thái: Theo một khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, trên 80% số các công ty đa quốc gia ở trong khu vực đánh giá việc các nước ASEAN hội nhập với nhau chính là một yếu tố quan trọng để họ xem xét khả năng có đầu tư vào đây hay không.

Thực tế đây là một điểm mạnh ASEAN cũng đã luôn hướng đến trong thời gian qua. Đơn cử một số tiêu chuẩn hay một số cách thức để điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực cũng được các nước thành viên ASEAN học tập nhau để tạo ra cách tiếp cận mang tính thống nhất, để từ đó các doanh nghiệp đa quốc gia khi đầu tư sẽ được thuận tiện hơn.

Ở hai góc độ này ASEAN đã đẩy mạnh được vai trò của mình, chính vì vậy Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác trong ASEAN theo các hướng đó.

Tất nhiên trong thời gian tới sẽ xuất hiện yếu tố thứ ba rất quan trọng, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của tất cả các nước thành viên. Đánh giá về cuộc cách mạng công nghiệp này cho thấy, nếu như một nền kinh tế có quy mô nhỏ hoặc trung bình sẽ khó có thể cạnh tranh.

Đơn cử như lĩnh vực thương mại điện tử, nếu một nền kinh tế có quy mô khoảng 100 triệu dân thì khó có thể đứng đơn độc để phát triển thương mại điện tử hay là dữ liệu lớn trong cách mạng công nghiệp này.

Vì vậy, khi ASEAN hợp lực và qui mô dân số có thể lên tới 600-700 triệu người vào năm 2030 sẽ là một tiềm năng để các bên cùng phối hợp với nhau trong những ngành mới phát triển cũng như thành công hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, hiện nay ASEAN được coi là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử thuộc loại lớn nhất thế giới. Do vậy tiềm năng trong những lĩnh vực mới này cũng rất nhiều.

- Xuất khẩu của Việt Nam vào một số nước thành viên ASEAN trong 10 tháng:

- Ông vừa nói đến phát triển kinh tế số và thương mại điện tử trong ASEAN. Vậy nội dung này được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Ông Lương Hoàng Thái: Trong năm 2017, ASEAN đã kết thúc đàm phán Hiệp định về thương mại điện tử giữa các nước ASEAN với nhau và là bước đầu tiên để tiến tới có những bước hội nhập trong khu vực về lĩnh vực thương mại điện tử. Tất nhiên thương mại điện tử, kinh tế số là những lĩnh vực rất mới, đòi hỏi phải học tập nhau rất nhiều.

Ngoài ký hiệp định đó thì một việc rất quan trọng mà ASEAN đang thảo luận, đó là nghiên cứu đánh giá về khả năng sẵn sàng của các nền kinh tế ASEAN.

Kết quả nghiên cứu này sẽ được gửi đến tất cả các kênh hợp tác kinh tế trong khu vực để soi chiếu lại kênh hợp tác đó. Làm cách nào để chúng ta có thể tăng cường được hợp tác trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ vẽ như vậy. Trên cơ sở kết quả tổng hợp đó thì ASEAN sẽ xây dựng cho mình một chiến lược đối với cách mạng công nghiệp này.

Chúng tôi hy vọng chiến lược này sẽ sớm được thông qua để từ đó đi vào từng lĩnh vực hợp tác cụ thể trong ASEAN nhằm thúc đẩy phối hợp giữa các nước trong khối sao cho không những tận dụng thành công những cơ hội mới, mà còn có thể xử lý những thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 2 đối với từng nước, ví dụ như với công ăn việc làm chẳng hạn.

Các công ty lớn trên thế giới đánh giá ASEAN là điểm đến hấp dẫn về đầu tư. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Thưa ông, như vậy đâu thách thức lớn nhất trong hoạt động đầu tư hợp tác giữa Việt Nam với ASEAN và trong khối ASEAN nói chung?

Ông Lương Hoàng Thái: Thách thức lớn nhất trong hợp tác thương mại trong ASEAN hiện nay chính là sự biến động rất lớn trong bối cảnh kinh tế quốc tế.

Trong thời gian qua nền kinh tế thế giới đã có những thay đổi, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác. Trước đây với những khuôn khổ hợp tác khác thì nhiều quy định của ASEAN được dựa trên những quy tắc của thương mại đa phương, cụ thể là của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Thế nhưng hiện nay đang có những thảo luận hướng tới cải cách Tổ chức thương mại thế giới. Làm thế nào để nền tảng cho thương mại thế giới này đáp ứng được những bước phát triển gần đây trong kinh tế và trong thương mại quốc tế.

Do vậy nếu như hợp tác trong khối ASEAN dựa trên nền tảng đa phương trong khi những nền tảng đa phương đó đang được bàn để hướng tới thay đổi thì ASEAN cũng gặp rất nhiều những thách thức.

Cụ thể hơn nữa đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước thì cũng tạo ra những bất ổn nhất định, chúng ta đều biết ASEAN gồm những nền kinh tế mở, trong đó tỷ lệ thương mại, đầu tư trên GDP rất lớn.

Chính vì vậy khi bối cảnh quốc tế có những biến động như vậy sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế ASEAN là ảnh hưởng mang tính trực tiếp và có quy mô tương đối lớn. Đây là những thách thức rất là lớn đối với các nước ASEAN.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục