Thúc đẩy hợp tác, liên kết tạo chuỗi cung ứng ngành gỗ khu vực ASEAN

Việt Nam với tiềm lực sản xuất và kinh nghiệm truyền thống đang dẫn đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 toàn cầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Thúc đẩy hợp tác, liên kết tạo chuỗi cung ứng ngành gỗ khu vực ASEAN ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

ASEAN đang nổi lên là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển ngành sản xuất đồ gỗ của thế giới nhưng để phát huy được những lợi thế đó, các thành viên cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết nhằm xây dựng chuỗi cung ứng, thương hiệu cũng như gia tăng giá trị cho ngành gỗ toàn khu vực.

Đây là thông điệp được các chuyên gia nhấn mạnh tại “Diễn đàn nội thất Đông Nam Á: Sức hút từ thị trường ASEAN” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) và Hội đồng công nghiệp nội thất Đông Nam Á (AFIC) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/11.

Trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, nhận định ASEAN hoàn toàn có thể trở thành một nền kinh tế mạnh và là trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới nhờ vào nhiều lợi thế về tự nhiên cũng như con người.

Với dân số hơn 600 triệu người, kết cấu dân số trẻ, trung bình dưới 30 tuổi, ASEAN là khu vực có dân số lớn thứ 3 thế giới.

Từ khi hình thành cộng đồng kinh tế chung, ASEAN luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình ở mức 4,8-5,3%/năm so với mức trung bình của thế giới trong cùng kỳ là 3,1%. Tổng giá trị GDP của ASEAN đã đạt hơn 2,5 nghìn tỷ USD và đây là một trong những khu vực kinh tế trẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó, ASEAN sở hữu những lợi thế về điều kiện tự nhiên, giao thông hàng hải mà không phải khu vực nào cũng có được khi nằm trên trục giao thông quan trọng nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, kết nối giữa các khu vực Đông Á, Tây Á và Âu Mỹ.

Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên một ASEAN có quy mô thị trường khổng lồ với nhu cầu và sức mua sắm cao, đồng thời là một lợi thế tiềm năng để các doanh nghiệp đề ra chiến lược tiếp cận và khai thác hiệu quả.

[Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Ngành gỗ phải đảm bảo minh bạch xuất xứ]

Cùng quan điểm, ông Emmanuel Padiernos, Chủ tịch AFIC cho rằng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và nội thất, ASEAN là khu vực có nhiều ưu thế vượt trội dựa trên các nền tảng nguyên liệu, sản xuất, thiết kế, phân phối, quy mô thị trường.

Năm 2018, toàn khối ASEAN xuất khẩu đồ gỗ đạt giá trị 12,1 tỷ USD trên tổng lượng xuất khẩu 150 tỷ USD toàn cầu, chứng tỏ đây là trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Đông Nam Á là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Canada...

Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines là những nhà cung cấp đồ nội thất Đông Nam Á đang phát triển nhanh với 2/3 năng lực sản xuất ưu tiên cho xuất khẩu. Tỷ lệ xuất khẩu/sản xuất cho khu vực này là khoảng 66%, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của thế giới (khoảng 30%). Ước lượng, năng lực sản xuất gỗ, nội thất của Đông Nam Á đáp ứng được 5% tổng lượng tiêu thụ đồ nội thất ở Mỹ và 2% với Tây Âu.

Việt Nam với tiềm lực sản xuất và kinh nghiệm truyền thống đang dẫn đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 toàn cầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

"Công nghiệp chế biến gỗ là ngành sản xuất truyền thống lâu đời tại Đông Nam Á, cũng là ngành thế mạnh, có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của từng quốc gia lẫn khu vực. Chính vì vậy, các quốc gia đều đang xây dựng chiến lược thúc đẩy phát triển ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất với những mục tiêu xa hơn," ông Emmanuel Padiernos chia sẻ.

Liên kết xây dựng chuỗi cung ứng khu vực

Mặc dù có thế mạnh cả về sản xuất lẫn nhu cầu tiêu dùng nhưng hoạt động thương mại sản phẩm gỗ, nội thất trong khối ASEAN còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp và các quốc gia cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Nguyễn Quốc Khanh nêu thực tế mỗi năm ASEAN nhập khẩu đồ nội thất từ khắp nơi trên thế giới với giá trị khoảng 3,3 tỷ USD nhưng xuất khẩu của các thành viên vào khu vực chỉ 730 triệu USD, giá trị trao đổi lẫn nhau chỉ đạt 760 triệu USD. Điều này cho thấy các thành viên đang bỏ qua một khoảng trống thị trường rất lớn ngay tại sân nhà.

Ngoài quy mô dân số lớn, giai đoạn 2017-2030 dự đoán sự gia tăng tầng lớp trung lưu ngày càng rõ rệt tại Việt Nam (5,5%), Philippines (5,5%), Indonesia (5,2%), Thái Lan (2,2%), Malaysia (2,9%) sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nội thất tăng cao.

Nguyên nhân của việc "bỏ sân nhà" được ông Nguyễn Quốc Khanh phân tích là các doanh nghiệp trong khu vực chỉ tập trung vào gia công xuất khẩu mà chưa đánh giá hết tiềm năng cũng như nắm bắt nhu cầu tiêu dùng trong khu vực. Ngành gỗ Việt Nam dù dẫn đầu khu vực về tiềm lực nhưng hầu hết doanh nghiệp cũng chỉ tập trung cho lợi ích riêng, thương hiệu riêng, sản phẩm riêng mà chưa thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu ngành. Bản thân các nước trong ASEAN cũng mang tâm lý cạnh tranh với nhau nên thiếu chia sẻ thông tin.

Để có thể khai thác hiệu quả những tiềm năng của mỗi thành viên và gia tăng thị phần tiêu thụ nội khối thì giải pháp hiệu quả nhất là phải kiến tạo mô hình “Hợp tác-Liên kết-Liên minh” giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và Hiệp hội trong khối, tiến tới xây dựng tầm nhìn mới cho cả ngành gỗ Đông Nam Á.

Thúc đẩy hợp tác, liên kết tạo chuỗi cung ứng ngành gỗ khu vực ASEAN ảnh 2Sản xuất, chế biến gỗ tại Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việc liên kết, hợp tác trong ngành gỗ ASEAN có thể dựa trên tiềm lực của từng quốc gia và chiến lược của từng doanh nghiệp; trong đó, liên kết dọc là các trục mạnh về sản xuất của Việt Nam-Indonesia-Lào-Myanmar kết hợp với trục thương mại-thiết kế-dịch vụ phát triển cao của Thái Lan-Singapore-Malaysia- Philippines; liên kết ngang giữa các Hiệp hội thành viên AFIC, tạo nên chuỗi giá trị của ngành gỗ với sản phẩm uy tín, chất lượng sẽ giúp ngành gỗ ASEAN khẳng định vị trí, thương hiệu trên bản đồ thế giới.

Ông Richard Wong, Phó Chủ tịch Head of ICT cho rằng song song với việc xây dựng chuỗi liên kết, các doanh nghiệp ngành gỗ nội thất cần đẩy mạnh ứng dụng nền tảng công nghệ vào sản xuất và khai thác hiệu quả thương mại điện tử để thúc đẩy thị trường tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào nắm được công nghệ, sản phẩm độc đáo thì sẽ chiếm lĩnh được thị trường.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, ngành công nghiệp gỗ, nội thất ở ASEAN nói chung mới chỉ tập trung vào sản xuất dựa trên nguồn lực về nguyên liệu và lao động phổ thông. Muốn xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm gỗ, nội thất, doanh nghiệp phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển và thiết kế sản phẩm. Khách hàng hiện nay không chỉ quan tâm tới chất lượng, giá cả mà đã sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có giá trị trải nghiệm thú vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.