Đưa chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành sản xuất mũi nhọn

Thủ tướng đặt hàng cho ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu.
Đưa chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành sản xuất mũi nhọn ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan các sản phẩm đồ gỗ trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 8/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD vào năm 2018 và phát triển bền vững vào những năm tiếp theo.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các hiệp hội cùng hơn 400 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2010-2017, đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.

Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, ngành chế biến lâm sản hiện nay với khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó khu vực tư nhân chiếm 95% đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến và cho hàng triệu lao động trồng ở khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

Với sự tham gia của đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội ngành hàng chế biến gỗ và lâm sản, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp về đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả; phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản; phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho ngành chế biến gỗ và lâm sản, đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến xuất khẩu...

[Hàng Việt chịu sức ép lớn hơn trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?]

Đưa chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành mũi nhọn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nhân, người lao động đã có nhiều đóng góp vào những thành tựu lớn của ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam.

Theo Thủ tướng, trong thời gian qua, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương đã chỉ đạo trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc rất kiên quyết, đi cùng với bảo vệ rừng tự nhiên.

Độ che phủ rừng của Việt Nam năm 2018 ước đạt 42%, trong khi bình quân thế giới là 29%. 11 triệu ha rừng tự nhiên được đóng cửa, bảo vệ phù hợp với Luật Lâm nghiệp, nhất là tại những địa bàn nóng như Tây Nguyên, Tây Bắc....

Đây là kết quả đáng mừng, là sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và tạo nền tảng cho tương lai.

Thủ tướng đánh giá dư địa của ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam còn rất lớn, nhưng vẫn nổi lên một số tồn tại như: Việc đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng còn hạn chế.

Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán. Phần lớn nguyên liệu gỗ đường kính nhỏ, còn non, chất lượng không đồng đều. Nguồn gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Gỗ khai thác rừng trồng để sản xuất sản phẩm thô giá trị thấp, dăm gỗ chiếm tỷ lệ lớn...

Đặc biệt là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm còn yếu, chưa có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam cạnh tranh trên khu vực và quốc tế.

Việc xuất khẩu phải thông qua đối tác nước ngoài, hiệu quả giá trị được nhận trực tiếp còn thấp. Một số lâm sản có giá trị kinh tế cao như sâm, thảo quả, hồi, quế... chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu.

"Nhiều mặt hàng chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được, đảm bảo chất lượng nhưng vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước," Thủ tướng trăn trở.

Tồn tại nữa là hạ tầng dân sinh chưa được chú trọng, tập trung đầu tư khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các loại phí, thuế, tín dụng, quy hoạch đất đai... còn nhiều bất cập nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào trồng rừng và sản xuất.

Việc thực thi pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, lâm sản còn nhiều bất cập, còn để xảy ra một số điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép. Tranh chấp đất rừng một số nơi còn gay gắt, chưa được xử lý dứt điểm...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu các chính quyền địa phương phải có chính sách quản lý rừng chặt chẽ hơn, kiên quyết xử lý việc phá rừng. Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không phá rừng để trồng cây công nghiệp, tập trung phát triển bền vững, hiệu quả, hội nhập sâu rộng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Từ những thành quả bước đầu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm, mục tiêu trong thời gian tới là: phát triển bền vững, hiện đại hội nhập, sâu rộng với quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực tốt; phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ tốt hơn nữa trong thời gian gần đây.

Tại hội nghị, Thủ tướng đặt hàng cho ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín trên thị trường quốc tế.

Mục tiêu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu năm 2018 đạt 9 tỷ USD; năm 2019 đạt 10-11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD; đến năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đó, phải có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản để phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam. Đây cũng là hướng phát triển để tạo nhiều việc làm ở miền núi, nông thôn, phát triển nông lâm nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung triển khai tốt Luật Lâm nghiệp 2017.

Trong đó, điểm mới rất quan trọng là phải coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại, xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, các cấp ngành rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời với cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển.

Cùng với đó là khuyến khích đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; đưa giá trị sáng tạo vào các sản phẩm Việt, nâng cao giá trị gia tăng trong thời gian tới.

Ngành gỗ cần làm tốt công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước, nghiên cứu, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời chú trọng thị trường trong nước với quy mô dân số và nhu cầu tiêu thụ lớn.

Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, quảng bá người dân và doanh nghiệp thay đổi nhận thức, tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên, thay thế sử dụng bằng gỗ trồng.

Chính phủ đề nghị các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất ngành chế biến gỗ, lâm sản cần chủ động hội nhập, thực hiện tốt các cam kết quốc tế, nhất là quy định về sử dụng nguồn gỗ hợp pháp; tập trung nâng cao năng lực sản suất, đổi mới công nghệ, quản trị, tạo nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam có điều kiện phát triển tốt hơn, bền vững hơn trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.