Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, ngành lâm nghiệp đã duy trì được thành quả tăng trưởng cao của những năm trước đây.
Kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng tháng đầu năm gặt hái nhiều thành công với hơn 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời là ngành xuất siêu cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp với giá trị 3,23 tỷ USD.
Kết quả này là nhờ ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm và bám sát các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong bảo vệ và phát triển rừng, tái cơ cấu ngành vào trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó là sự gắn kết, tham gia mạnh mẽ từ hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến lâm sản.
Với các chỉ tiêu được giao trong năm nay là giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 6-6,5%; giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,65%, Thứ trưởng Hà Công Tuấn tin rằng, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu trên.
Hiện ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế. Đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 nước và vùng lãnh thổ; trong đó, các thị trường chủ yếu là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành lâm nghiệp đã chủ động đàm phán quốc tế, đặc biệt là về quy định gỗ hợp pháp để mở của thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường Lào, Campuchia, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia.
[GDP ngành nông nghiệp 6 tháng tăng cao nhất trong 10 năm qua]
Chủ động cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về những thay đổi luật pháp liên quan đến khai thác và thương mại gỗ hợp pháp, thông tin về thị trường gỗ và lâm sản trên toàn cầu.
Từ nay đến cuối năm, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thúc đẩy, hoàn thiện thủ tục phê duyệt và ký chính thức Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản), chủ động các hoạt động hợp tác quốc tế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của nước thành viên CITES, ASEAN-WEN.
Trong 6 tháng đầu năm, việc bảo vệ rừng cũng đạt được những kết quả rất tích cực với tình hình vi phạm giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Đến ngày 5/7 vừa qua, cả nước phát hiện 6.668 vụ vi phạm, giảm 2.681 vụ, tương ứng giảm 29% so với cùng kỳ năm 2017; diện tích rừng bị thiệt hại là 482ha, giảm 546ha, tương ứng giảm 53% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhằm đạt mục tiêu giảm 20% số vụ vi phạm và 30% diện tích thiệt hại, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngành lâm nghiệp phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đồng thời, tập trung chỉ đạo giải quyết các điểm nóng về phá rừng và vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luât.
Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thực hiện rà soát, đánh giá và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; tiếp tục giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã thu 1.091,6 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, đạt 47% kế hoạch năm và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2017; kế hoạch năm 2018 thu khoảng 2.329 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2017./.