Đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 nước và vùng lãnh thổ

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 nước và vùng lãnh thổ ảnh 1Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính trong 7 tháng của năm đạt 5,025 tỷ USD, tương đương gần 56% kế hoạch năm, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.

Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 7 tháng ước đạt 3,77 tỷ USD, riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỷ USD.

Trong 7 tháng, giá trị xuất khẩu lâm sản chính liên tục giữ mức tăng trưởng trung bình trên 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 7 tháng đạt 1,24 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân đã chuẩn bị vùng trồng rừng nguyên liệu đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng để cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

[Video] Gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam chiếm 6% thị phần thế giới

Do đó, giá trị xuất siêu lâm sản chính là con số ấn tượng của ngành nông nghiệp từ đầu năm đến nay.

Kết quả trên có được nhờ thị trường xuất khẩu lâm sản đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ.

Nếu như trước đây chỉ tập trung vào các thị trường trung chuyển như: Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc… để tái xuất khẩu sang nước thứ ba, đến nay đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp được sang 120 nước và vùng lãnh thổ.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Ngoài ra, các thị trường khác như: Malaysia, Pháp, Australia cũng có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh.

Những tháng nửa cuối năm luôn đạt giá trị tăng cao hơn so với các tháng đầu năm với ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ do thói quen tiêu dùng, mua sắm, thay thế nội, ngoại thất cũng như xây dựng trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, một số thị trường như Mỹ (với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc) trong tương sẽ là cơ hội để sản phẩm gỗ Việt đẩy mạnh phát triển ở thị trường này.

Mặc khác, các đơn hàng thường được hoàn thành vào cuối năm, do đó dự báo gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ là nhóm hàng có những tín hiệu khả quan, là điểm sáng của xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018.

Về chính sách, Việt Nam và EU đang dần hoàn thành những thủ tục pháp lý trong tiến trình phê duyệt ký kết và phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT.

Đến giữa tháng 7/2018 Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt nội dung Hiệp định và đồng ý trình lên Hội đồng Bộ trưởng EU để cho phép ký chính thức.

Phía Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ để xuất ký Hiệp định.

Những hoạt động tích cực trong tiến trình cũng như những cam kết được nội luật hóa thông qua Luật Lâm nghiệp đã giúp ngành gỗ Việt đảm bảo được uy tín trên trường quốc tế về nguồn gốc gỗ hợp pháp, tạo cơ hội cho ngành gỗ phát triển, xuất khẩu bền vững trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục