Ngày 20/8, Thái Lan cho biết các quan chức của 16 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gồm 10 nước thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) đã bày tỏ cam kết đẩy nhanh tốc độ đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với hy vọng hoàn tất hiệp định này trước tháng 11 trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và bất ổn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethum cho biết một hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN và một hội nghị bộ trưởng RCEP sẽ được tổ chức từ ngày 3-10/9 tại thủ đô Bangkok.
Theo bà Supthaweethum, các bộ trưởng sẽ nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán về RCEP với hy vọng hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khu vực.
Bà nhấn mạnh: "16 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều biết rằng cần phải hoàn tất các cuộc đàm phán để hiệp định này có thể được thực thi càng sớm càng tốt nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu không ổn định."
[Nối lại vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực]
RCEP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do. Các cuộc đàm phán về RCEP được bắt đầu năm 2013 với mục tiêu ban đầu là hoàn tất việc ký kết trước năm 2015. Tuy nhiên, thời hạn chót này đã bị hoãn lại nhiều lần.
Việc trì hoãn này chứng tỏ khó khăn trong nỗ lực thiết lập một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy và căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc leo thang.
Theo Vụ đàm phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cho đến nay, các nước thành viên vẫn chưa nhất trí về 7 trong số 20 chủ đề trong RCEP, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hóa, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, các nước hy vọng có thể đạt được tiến triển trong các lĩnh vực này tại các cuộc đàm phán trong tháng 9 tới, để hiệp định này có thể được công bố vào ngày 4/11, thời điểm hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo ASEAN bế mạc tại Bangkok.
Nếu được ký kết, hiệp định này dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)./.