Các nước đang phát triển châu Á vẫn “cán đích” tăng trưởng

Theo ADB, các nước đang phát triển ở châu Á đang hướng tới mức tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm nay và 6% trong năm 2016, trong đó các mức tăng trưởng này của Việt Nam lần lượt là 6,5% và 6,6%.
Các nước đang phát triển châu Á vẫn “cán đích” tăng trưởng ảnh 1Người dân Nhật Bản mua sắm tại thủ đô Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 3/12 công bố báo cáo cho biết các nước đang phát triển ở châu Á đang hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm nay và 6% trong năm 2016, bất chấp những tác động tiêu cực từ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chuyên gia kinh tế Shang-jin Wei thuộc ADB cho hay mặc dù một số nền kinh tế có thể đối mặt với tăng trưởng đi xuống, song nhìn chung triển vọng kinh tế của các nước này vẫn sẽ ổn định do được hỗ trợ bởi sức tiêu dùng mạnh tại thị trường Trung Quốc và xu hướng mở rộng sản xuất của Ấn Độ và các quốc gia khác.

Trong lúc xu hướng giảm phát trên toàn cầu cùng sự trì trệ của kinh tế Nhật Bản và các nước khác sẽ tiếp tục đè nặng lên triển vọng xuất khẩu của khu vực.

ADB dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á ở mức 6% trong cả năm nay và năm 2016, với kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng 6,9% trong năm nay và 6,7% trong năm 2016 (thay vì mức dự báo tăng 6,8% cho năm nay theo ước tính được ADB công bố trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Kinh tế hồi tháng Chín).

Ngoài ra, ADB cũng thừa nhận rằng hoạt động đầu tư của khu vực trong năm nay vẫn sẽ yếu do đó những nỗ lực của các chính phủ và ngân hàng trung ương nhằm ổn định nền kinh tế và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hữu ích.

Tại Đông Nam Á, nhịp độ tăng trưởng vẫn sẽ được giữ ở mức lần lượt là 4,4% và 4,9% trong hai năm 2015 và 2016, bất chấp những tín hiệu kinh tế không mấy khả quan từ các nền kinh tế lớn như Indonesia, Philippines và Singapore.

Kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,6% năm tới, so với mức tăng khoảng 6% năm 2014.

Đối với khu vực Nam Á, nhịp độ tăng trưởng trong năm nay và năm 2016 sẽ lần lượt là 6,9% và 7,3%, trong đó kinh tế Ấn Độ tiếp tục được hưởng lợi từ hoạt động sản xuất công nghiệp khá mạnh, các khoản đầu tư công và lĩnh vực bán lẻ, bù đắp cho những nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như Bhutan, Maldives và Nepal.

Trong khi đó, ADB lại hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Trung Á xuống chỉ còn lần lượt 3,2% và 3,7% trong hai năm 2015 và 2016, từ mức dự báo tương ứng là 3,3% và 4,2% đưa ra hồi tháng Chín, do những tác động từ đà suy thoái kinh tế Nga và sự lao dốc của giá dầu thô/khí đốt thế giới.

Ngoài ra, dự báo tăng trưởng kinh tế trong khu vực Thái Bình Dương cũng bị giảm xuống chỉ còn 6,3% và 3,8% trong năm 2015 và 2016, từ các mức dự báo tăng tương ứng là 6,7% và 3,9% đưa ra trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.