Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 22/10, các nhà lãnh đạo Đông Phi đã có cuộc gặp với Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 10 tháng qua tại quốc gia non trẻ này.
Tham dự cuộc gặp có Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Thủ tướng Uganda Ruhakana Rugunda và trưởng đoàn đàm phán hòa giải của Cơ quan Phát triển Liên chính phủ Đông Phi (IGAD) Seyoum Mesfin.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Nam Sudan cho biết mục đích của cuộc gặp này nhằm "đảm bảo quá trình đưa Nam Sudan thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.''
Các cuộc thảo luận tập trung chủ yếu vào thỏa thuận vừa được ký kết giữa các phe phái đối địch trong Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM) cầm quyền, cũng như các cuộc đàm phán hòa bình đang được tiến hành dưới sự trung gian của IGAD tại thủ đô Arusha của Tanzania và thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Chuyến thăm Nam Sudan của các nhà lãnh đạo Đông Phi diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Salva Kiir và thủ lĩnh đối lập Riek Machar tái khẳng định cam kết sẵn sàng giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Trong thỏa thuận được ký kết ngày 20/10 sau nhiều ngày đàm phán tại Arusha, hai bên đều khẳng định cần khôi phục đoàn kết trong SPLM, đồng thời kêu gọi "đối thoại thẳng thắn và đặt lợi ích của người dân và quốc gia lên trên hết."
Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ tháng 12/2013 sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sỹ trung thành với cựu Phó Tổng thống Machar âm mưu đảo chính.
Xung đột nhanh chóng lan rộng khắp nước làm hàng nghìn người thiệt mạng, khoảng 1,8 triệu người phải đi lánh nạn, đồng thời đẩy Nam Sudan đến cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất ở châu Phi kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Hồi tháng Tám, hai phe đối địch đã ký kết một thỏa thuận ngừng bắn tại Ethiopia. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã nhanh chóng đổ vỡ chỉ vài ngày sau khi các tay súng bắn hạ trực thăng cứu trợ của Liên hợp quốc khiến ba thành viên phi hành đoàn người Nga thiệt mạng.
Trong các vòng đàm phán kéo dài nhiều tháng qua, hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn./.