Ngày 5/8, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) chính thức thông qua kế hoạch khẩn cấp của khối nhằm cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ, trong bối cảnh các nước đang cố gắng tiết kiệm nhiên liệu cho mùa Đông tới do nguồn cung khan hiếm.
Tuần trước, các nước EU đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga trước thềm mùa Đông.
[Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có]
Theo thông báo của Cộng hòa Séc, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, thỏa thuận này đã được các nước EU phê chuẩn trong ngày 5/8, ngoại trừ Hungary và Ba Lan.
Hungary là quốc gia duy nhất phản đối thỏa thuận cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ tại cuộc họp của EU hồi tuần trước. Nước này hiện đang đàm phán với Nga để nhập khẩu thêm khí đốt.
Trong khi đó, Ba Lan cũng không phê chuẩn thỏa thuận này dù tuần trước ủng hộ thỏa thuận.
Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU.
Hồi tháng Sáu, Moskva đã giảm lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) xuống còn 40%, với lý do 1 tuabin được sửa chữa ở Canada chưa được đưa trở lại Nga.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt sau khi Gazprom - công ty vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, tuyên bố giảm nguồn cung./.