Việc các nước giàu không thể đưa ra các cam kết khí hậu ngắn hạn có thể gây trở ngại cho việc triển khai Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Đây là lời cảnh báo của nhóm 134 quốc gia đang phát triển, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, đưa ra ngày 9/11, tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) diễn ra tại thành phố Bonn của Đức.
Đại diện Trung Quốc Trần Chí Hoa nhấn mạnh nếu không tôn trọng những quyết định đã đưa ra, sẽ không thể xây dựng sự lòng tin giữa các bên, cũng như không thể đặt nền móng tốt cho việc thực thi Hiệp định Paris.
Đại diện Nicaragua Paul Oquist dẫn kết quả các nghiên cứu gần đây cho biết nếu không thể cùng hành động trước năm 2020, thế giới sẽ không thể thực hiện các mục tiêu giảm mức tăng nhiệt xuống mức 2 độ C hoặc 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ông Oquist nêu rõ nhiều nước hiện không thực hiện các cam kết đã đưa ra. Đồng tình với quan điểm của Trung Quốc và Nicaragua còn có các đại diện của Ấn Độ, Iran và Ecuador.
Hội nghị COP23 đang thảo luận việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Theo các điều khoản của hiệp định mang tính lịch sử này, các nước giàu phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm đối phó với sự gia tăng của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các nước đang phát triển đang tìm cách để đưa "chương trình nghị sự trước năm 2020" vào tiến trình thảo luận chính thức song ý định này vẫn bị mắc kẹt ngay từ đầu hội nghị kéo dài 12 ngày này.
Giám đốc chiến lược và chính sách của Hiệp hội các nhà khoa học liên quan tại thủ đô Washington của Mỹ, Alden Meyer cảnh báo không nên để bế tắc kéo sang tuần thứ hai và trở thành vấn đề chính trị cho các nhà lãnh đạo.
Khoảng 20 vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, bao gồm Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức dự kiến sẽ tham dự diễn đàn khí hậu này vào tuần tới.
Theo Hiệp định Paris, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C thậm chí 1,5 độ C nếu có thể so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo dù các quốc gia thực hiện các cam kết tự nguyện về cắt giảm khí thải carbon hiện nay, mức tăng nhiệt độ vẫn không thể giảm như mục tiêu./.