Các nước láng giềng phản đối đề xuất can thiệp quân sự vào Libya

Trong hội nghị tại Cairo ngày 21/1 nhằm thỏa luận về các giải pháp cho cuộc xung đột Libya, đại diện các nước láng giềng đã tuyên bố phản đối bất kỳ đề xuất can thiệp quân sự vào Libya.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler (phải) và đại diện các nước láng giềng thảo luận các giải pháp cho cuộc xung đột Libya tại hội nghị ở Cairo. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trong một hội nghị tại Cairo ngày 21/1 nhằm thỏa luận về các giải pháp cho cuộc xung đột Libya, đại diện các nước láng giềng của quốc gia Bắc Phi này đã tuyên bố phản đối bất kỳ đề xuất can thiệp quân sự vào Libya.

Trong tuyên bố bế mạc hội nghị, các Ngoại trưởng các nước tham dự đã kêu gọi Hội đồng Tổng thống Libya (LPC) thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc đại diện cho tất cả các phe phái chính trị tại Libya và phải nhận được sự tín nhiệm của quốc hội.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh các nguyên tắc của thỏa thuận Skhirat, được ký kết tại Maroc vào năm 2015, là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng Libya; khẳng định sự cần thiết của việc đảm bảo Libya ổn định, đoàn kết, an ninh và dân sự với đầy đủ chủ quyền lãnh thổ, duy trì tính hợp pháp của các thể chế tại Libya và giữ quân đội Libya thống nhất.

Các ngoại trưởng tham dự cuộc họp cũng kêu gọi đối thoại chính trị thay vì sử dụng vũ lực quân sự như là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời khẳng định rằng cuộc chiến chống khủng bố tại Libya phải được tiến hành theo các quy định của pháp luật quốc tế.

Các bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo tại Libya, kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp với chính quyền hợp pháp của Libya để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là thuốc men và vật tư y tế.

Cuộc họp tại Cairo là hội nghị lần thứ 10 của nhóm các nước láng giềng của Libya bao gồm Tunisia, Algeria, Sudan, Niger, Chad, cũng như đặc phái viên của Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler và một đại diện của Liên minh châu Phi (AU).

Libya phải chịu tình trạng chia rẽ chính trị giữa các chính phủ đối địch bất chấp việc các bên đã ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc hồi tháng 12/2015.

Theo thỏa thuận này, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, đứng đầu là Thủ tướng Fayez Serraj đã được thành lập và bắt đầu hoạt động ở Tripoli từ ngày 30/3/2016.

Mặc dù vậy, cho đến nay GNA vẫn đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong bối cảnh quốc hội do dân bầu hiện đang đóng tại Tobruk, miền Đông Libya, vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này trong khi chính quyền tự xưng ở Tripoli lại không muốn từ bỏ quyền lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục