Ngày 3/1, Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng quân đội ủng hộ chính phủ ở miền Đông Libya, tuyên bố không có kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán với đại diện chính phủ được Liên hợp quốc bảo trợ ở thủ đô Tripoli, động thái có thể đe dọa tiến trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua tại Libya.
Tướng Haftar và Thủ tướng của chính phủ được Liên hợp quốc bảo trợ Fayez Seraj dự kiến sẽ có cuộc gặp tại thủ đô Algiers của Algeria trong vài ngày tới nhằm thảo luận khả năng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya.
Tuy nhiên, ông Hafta tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với ông Seraj, vốn được bắt đầu từ hơn 2 năm trước, đã không mang lại kết quả nào và tình trạng chiến tranh hiện nay có lẽ cần đến giải pháp quân sự hơn là chính trị.
Trả lời phỏng vấn báo chí Phương Tây, ông Haftar nhấn mạnh: "Hiện không phải là thời điểm để chúng tôi quay lại đàm phán về dân chủ và bầu cử."
Hiện nay, các lực lượng của ông Haftar đã kiểm soát khoảng 80% lãnh thổ Libya.
Là nhân vật có vai trò chủ chốt trong cuộc chính biến lật đổ cố lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011, Tướng Haftar đã tiến hành một chiến dịch chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng như nhiều nhóm đối lập khác ở miền Đông Libya trong hơn 2 năm qua.
Tướng Haftar có mối quan hệ gần gũi với chính quyền Ai Cập cùng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và đang tìm kiếm sự ủng hộ của Nga.
Trong chuyến thăm Moskva mới đây, ông Haftar cũng đã nỗ lực tái khởi động các hợp đồng giữa Libya và Nga, vốn bị đình hoãn năm 2011 - thời điểm nổ ra cuộc chính biến "Mùa xuân Arập" nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi.
Ông Hafta cho biết thêm Nga sẽ tìm cách thúc đẩy các nỗ lực bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí do Liên hợp quốc áp đặt chống Libya và có thể cung cấp vũ khí cho lực lượng của ông./.