Các nước Liên minh châu Âu vẫn bế tắc trong cải cách luật tị nạn

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận còn xa mới đạt được thỏa thuận giải quyết bế tắc trong cải cách hệ thống tị nạn của EU.
Các nước Liên minh châu Âu vẫn bế tắc trong cải cách luật tị nạn ảnh 1Cảnh sát Pháp đưa những người tị nạn tới nơi ở tạm thời sau khi giải tỏa khu trại tạm Millenaire ở thủ đô Paris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 5/6, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận còn xa mới đạt được thỏa thuận giải quyết bế tắc trong cải cách hệ thống tị nạn của EU.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các bộ trưởng Nội vụ châu Âu, nhóm họp tại Luxembourg, đánh giá sự chia rẽ ngày càng sâu sắc bất chấp đề xuất thỏa hiệp được nước chủ tịch luân phiên Bulgaria đặt lên bàn thảo luận.

Sau cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Bulgaria Valentin Radev tuyên bố việc tìm được một thỏa hiệp sẽ rất khó khăn, nhưng ông tin rằng tất cả đang đi đúng hướng và hy vọng các lãnh đạo các nước EU sẽ đưa ra quyết định hợp lý nhất vào cuối tháng 6.

Tuy nhiên, tình hình cho thấy khó có đột phá tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6, vốn được coi là mấu chốt để cải cách Hiệp định Dublin - văn bản luật quy định quốc gia nào chịu trách nhiệm cho việc xin tị nạn - hiện đã lỗi thời.

Sự tái bố trí những người xin tị nạn trong EU từ những nước tiếp nhận tuyến đầu như Italy và Hy Lạp, từng quá tải vì dòng người di cư khổng lồ năm 2015, đang là vấn đề gây tranh cãi.

[Hội đồng châu Âu lên án đạo luật tị nạn mới của Hungary]

Một số nước Đông Âu như Ba Lan và Hungary luôn phản đối mạnh mẽ giải pháp này và từ chối hạn ngạch tiếp nhận người di cư, một cơ chế đã chia rẽ EU từ 2015-2017.

Về phần mình, Italy luôn yêu cầu mạnh mẽ phải cải cách các quy định Dublin, vốn luôn giao phó chủ yếu gánh nặng tị nạn cho các nước nhập cảnh đầu tiên.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini đã không đến họp tại Luxembourg, nhưng ông cảnh báo trước đó rằng Italy không thể là "trại tị nạn của châu Âu," thể hiện sự bất bình với tình trạng thảo luận hiện nay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thụy Điển Hélène Fritzon cho rằng không buông xuôi trước khi kết thúc đàm phán, nhưng có thể nói quan điểm của các bên hiện còn rất xa nhau và lo ngại trước một không khí chính trị nặng nề với khả năng thắng cử của phe cực hữu tại châu Âu.

Bộ trưởng Bỉ Theo Francken đánh giá cải tổ luật cư trú hiện đang rất bế tắc. Còn Bộ trưởng Đức Stephan Mayer thì nhấn mạnh ngay cả Chính phủ Đức cũng chỉ trích các điểm cụ thể của tình trạng đàm phán hiện tại, như việc đưa ra đánh giá "không thể chấp nhận" đối với bản thỏa hiệp do Tổng thống Bulgaria chuẩn bị.

Văn bản này bao gồm các biện pháp phân bổ người xin tị nạn ở EU và những biện pháp tái bố trí bắt buộc sẽ chỉ là phương sách cuối cùng với một cuộc bỏ phiếu của các quốc gia thành viên, nếu các biện pháp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đầu tiên, được kích hoạt tự động trong thời gian khủng hoảng không đủ để giúp giải quyết tình hình.

Theo một nguồn tin ngoại giao, Áo - nước sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên từ tháng Bảy tới - sẽ đưa ra những đề xuất cải tổ mới, đoạn tuyệt với những biện pháp đang được thảo luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.