Ngày 4/6, Thủ tướng Séc Andrej Babis đã phản đối lối tiếp cận linh hoạt của Liên minh châu Âu (EU) về người nhập cư được Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất vào cuối tuần trước.
Theo đề xuất của nhà lãnh đạo Đức, "một hệ thống linh hoạt" có nghĩa là sự phân chia lao động, theo đó, những nước châu Âu không chịu tiếp nhận người nhập cư có thể bồi thường bằng cách đóng góp tài chính cho những nước ở tuyến đầu trong vấn đề này.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Đức còn đưa ra sáng kiến cho rằng lực lượng cảnh sát biên giới châu Âu (Frontex) nên được phép hoạt động độc lập.
Thủ tướng Merkel bày tỏ hy vọng rằng đề xuất mà bà cho là mang tính "linh hoạt" này có thể giải quyết bế tắc hiện nay giữa các nước thành viên EU về chính sách người tị nạn.
[Thỏa thuận EU và Thổ Nhĩ Kỳ giúp cắt giảm 97% người nhập cư]
Thủ tướng Babis đã phản đối đề xuất trên của bà Merkel, cho rằng các nước cần phải ngăn chặn tình trạng nhập cư trên toàn châu lục, đồng thời hỗ trợ người dân ở Syria và các nước Trung Đông.
Về hoạt động của Frontex, Thủ tướng Séc cho rằng ý tưởng này là không thực tế về lâu dài, đồng thời nhấn mạnh mỗi quốc gia thành viên nên được phép tự bảo vệ biên giới của nước mình.
Sau đó, trên mạng Twitter, ông tuyên bố không phản đối hoạt động kiểm soát biên giới chung, nhưng trước tiên, EU cần tận dụng năng lực của các nước thành viên. Ông cho biết Séc ủng hộ các sáng kiến của EU nhằm đối phó với tình trạng nhập cư trái phép.
Thủ tướng Đức Merkel đưa ra các đề xuất trên trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh EU sắp diễn ra trong tháng này. Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận lần nữa vấn đề người di cư để phá vỡ thế bế tắc này.
Theo một thỏa thuận năm 2015, những người di cư tới châu Âu tìm kiếm quy chế tị nạn tập trung tại hai nước Hy Lạp và Italy sẽ được phân bổ tới các nước khác trong liên minh theo một cơ chế phân bổ hạn ngạch nhằm giảm gánh nặng cho các quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển này.
Tuy nhiên, mục tiêu này cho đến nay vẫn chưa được hoàn thành do vấp phải một loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối của một số nước Đông Âu như Séc, Hungary và Ba Lan.
Lý do các nước này đưa ra là lo ngại nguy cơ khủng bố, đồng thời cho rằng mức hạn ngạch này là một phần nỗ lực của EU nhằm hạn chế chủ quyền của các nước này.
Năm 2015, châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai khi số người đến từ các nước xung đột và nghèo đói ở Trung Đông, Bắc Phi lên tới 1,2 triệu người. Tuy nhiên, số người di cư sang Lục địa Già này đã bắt đầu giảm./.