Các nước NPT ủng hộ Tuyên bố Nga-Trung về thỏa thuận hạt nhân Iran

Tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc về thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện, đã được 120 nước tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ủng hộ.
Các nước NPT ủng hộ Tuyên bố Nga-Trung về thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: parstoday.com)

Tuyên bố chung của Nga và Trung Quốc về thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã được 120 quốc gia tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nhất trí ủng hộ.

Ông Vladimir Yermakov, Cục trưởng Cục Kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh tương lai của JCPOA đang bị đe dọa khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận lịch sử này.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phát biểu trước báo giới ngày 4/5, ông Yermakov cho biết tại phiên họp Ủy ban trù bị năm 2018 diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Kiểm điểm thực thi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2020, Tuyên bố chung Nga-Trung về JCPOA đã được đa số các nước ủng hộ, ngoại trừ Mỹ và một số thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Khoảng 120 quốc gia đã ủng hộ sáng kiến trên, trong đó 25 quốc gia đã ký vào tuyên bố do Nga và Trung Quốc đề xuất, trong đó bày tỏ sự ủng hộ kiên định đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cũng trong phát biểu của mình, quan chức ngoại giao Moskva khẳng định Nga sẽ luôn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và tăng cường quan hệ chặt chẽ với Tehran trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, năng lượng, vận tải, công nghệ và y khoa nếu Mỹ vẫn quyết định rút khỏi JCPOA vào ngày 12/5 tới.

Ông nhấn mạnh việc bảo vệ sự tồn tại của JCPOA là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc tế.

Quan chức này đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu phá vỡ một thỏa thuận quốc tế được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ.

Hội nghị Kiểm điểm thực thi NPT được tổ chức 5 năm/lần nhằm rà soát việc thực thi hiệp ước của các nước thành viên.

Để chuẩn bị cho hội nghị này, các nước thành viên NPT tổ chức các cuộc họp trù bị mỗi năm một lần trong 3 năm trước khi diễn ra hội nghị chính thức. Hai chủ đề chính trong các hội nghị này là vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Hội nghị trù bị năm nay diễn ra tại Geneva trong hai tuần và vừa kết thúc ngày 4/5. Nội dung bao trùm của hội nghị năm nay là những động thái tích cực gần đây trên bán đảo Triều Tiên và nguy cơ JCPOA sụp đổ do Mỹ đe dọa rút khỏi thỏa thuận này.

Cùng ngày, Chính phủ Nga đã cảnh báo việc hủy bỏ JCPOA sẽ ảnh hưởng tới những nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trên trang web chính thức, Bộ Ngoại giao Nga đã đăng tải bài phát biểu của phái đoàn Nga tại phiên họp của Ủy ban trù bị Hội nghị kiểm điểm NPT nói trên, trong đó nêu rõ: "Việc hủy bỏ các thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran mà không có bất kỳ lý do nào và bất chấp ý chí của cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới những nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời không thuyết phục được Triều Tiên rằng những thỏa thuận có thể đạt được trong tương lai."

JCPOA được ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức), và tháng 1/2016 bắt đầu bước vào giai đoạn thực hiện.

Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý thu hẹp chương trình hạt nhân và chịu sự kiểm soát của quốc tế để đổi lấy việc cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này.

Tổng thống Mỹ Trump nhiều lần khẳng định thỏa thuận này không ngăn ngừa được khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời đe dọa rút khỏi văn kiện này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.