Các tổng thống thuộc 5 quốc gia Tây Phi gồm Nigeria, Cote d'Ivoire, Senegal, Ghana và Nigeria đã đến Mali ngày 23/7 trong nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đang làm rung chuyển đất nước này và có nguy cơ làm xói mòn cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo tại khu vực.
Bất bình với tình trạng tham nhũng, kết quả các cuộc bầu cử địa phương gây tranh cãi và những tổn thất về quân đội trong cuộc chiến chống phiến quân, hàng chục nghìn người dân ở Mali đã xuống đường biểu tình trong suốt một tháng qua.
Những cuộc đụng độ giữa người biểu tình quá khích và lực lượng an ninh đã khiến ít nhất 14 người biểu tình thiệt mạng.
Người đứng đầu liên minh đối lập M5-RFP - Giáo sỹ Mahmoud Dicko tuyên bố sẽ không từ bỏ kế hoạch biểu tình cho đến khi Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita từ chức.
[Liên minh đối lập tại Mali bác đề xuất hòa giải của ECOWAS]
Điều này khiến các nước láng giềng của Mali lo ngại về khả năng cuộc khủng hoảng chính trị sẽ còn kéo dài.
Các nhà lãnh đạo Tây Phi nhận thức sâu sắc về những nguy cơ đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị tại Mali.
Quốc gia bán sa mạc và không có biển này đang được các nhóm khủng bố có liên hệ mật thiết với Al-Qaeda và "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng sử dụng làm bàn đạp để tấn công các quốc gia láng giềng, trong đó bao gồm cả Nigeria và Burkina Faso.
Mặc dù vậy, việc tháo gỡ thế bế tắc chính trị tại Mali là không hề dễ dàng và không thể đạt được trong thời gian ngắn.
Hồi tuần trước, liên minh đối lập M5-RFP đã từ chối các biện pháp hòa giải do Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đề xuất, đồng thời khẳng định các biểu tình tiếp theo là không thể tránh khỏi cho tới khi Tổng thống Keita từ chức./.