Các nước thành viên EU kêu gọi tăng ngân sách hỗ trợ cho lĩnh vực quốc phòng

Trong thư gửi người đứng đầu EIB, 14 quốc gia EU đã kêu gọi ngân hàng này mở rộng đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng, ngoài một số lượng nhỏ sản phẩm lưỡng dụng (có cả chức năng quân sự lẫn dân sự).

Binh sĩ Đức tham gia khóa huấn luyện tại Altengrabow, đông Đức, ngày 26/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sĩ Đức tham gia khóa huấn luyện tại Altengrabow, đông Đức, ngày 26/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn 50% các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả 2 cường quốc Đức và Pháp, mới đây đã kêu gọi Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tăng hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực quốc phòng của khối.

Trong thư gửi người đứng đầu EIB ngày 17/3, 14 quốc gia thành viên EU đã kêu gọi ngân hàng này mở rộng đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng, ngoài một số lượng nhỏ sản phẩm lưỡng dụng (có cả chức năng quân sự lẫn dân sự).

Bức thư do Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Latvia, Litva Hà Lan, Ba Lan, Romania và Thụy Điển nhấn mạnh: "Ngành công nghiệp quốc phòng của EU là một phần quan trọng của an ninh châu Âu. Một ngành công nghiệp quốc phòng đáng tin cậy đòi hỏi phải có đầu tư."

Theo các thành viên này, đây là lý do EU phải khẩn trương thảo luận các cách thức để EIB có thể đầu tư thêm vào lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Nội dung thư đã nêu bật tầm quan trọng của việc cho phép EIB đầu tư vào các hoạt động liên quan đến quốc phòng ngoài các dự án lưỡng dụng hiện nay. Điều này sẽ đòi hỏi việc thảo luận và đánh giá lại các định nghĩa hiện tại về các dự án lưỡng dụng và danh sách các hoạt động bị loại trừ.

Theo các chính sách hiện nay, EIB không thể đầu tư trực tiếp vào sản xuất vũ khí và đạn dược, trong khi những mặt hàng lưỡng dụng mà EIB tài trợ phải có mục đích chủ yếu là dân sự.

Vấn đề trên dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) trong tuần này, trong đó tập trung vào việc củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của EU và hỗ trợ Ukraine.

Thời gian qua, EU đã đưa ra một loạt sáng kiến nhằm tăng ngân sách để nâng sản lượng quốc phòng. Tuy nhiên, EU vẫn không thể hoàn tất cam kết vào tháng 3/2023 về cung cấp một triệu quả đạn pháo 155 mm cho Ukraine trong vòng một năm.

Nhằm hướng đến mục tiêu đạt sản lượng 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào cuối năm 2025, ngày 15/3 vừa qua, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ phân bổ 500 triệu euro (550 triệu USD) để đẩy nhanh tốc độ sản xuất chất nổ trong khối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.