Các nước thành viên nhất trí nối lại đàm phán NAFTA

Mexico, Canada và Mỹ đã nhất trí nối lại các cuộc thương lượng vào ngày 7/5 tới để đẩy nhanh tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Các nước thành viên nhất trí nối lại đàm phán NAFTA ảnh 1Các trưởng đoàn đàm phán NAFTA của Mexico, Mỹ và Canada: Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland (ngoài cùng bên trái), Bộ trưởng Kinh tế Mexico, Ildefonso Guajardo (đứng giữa) và đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer. (Ảnh: Lưu Việt Hùng/TTXVN)

Mexico, Canada và Mỹ đã nhất trí nối lại các cuộc thương lượng vào ngày 7/5 tới để đẩy nhanh tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trong một thông báo, Bộ Kinh tế Mexico cho biết trong hơn 3 tuần qua, trưởng đoàn đàm phán của 3 nước - gồm Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, đã tổ chức các cuộc họp hàng tuần tại Washington (Mỹ) để thảo luận về tất cả các chủ đề của cuộc thương lượng cũng như theo dõi tiến độ đàm phán.

Sau 8 tháng thảo luận, các cuộc tái đàm phán NAFTA đang bước vào giai đoạn căng thẳng sau vòng đàm phán chính thức mới đây nhất kết thúc hồi tháng 3 vừa qua trong bối cảnh Mexico và Mỹ đang chuẩn bị bước vào các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay.

Giới chức Mỹ, Canada và Mexico đang tăng tốc đàm phán nước rút để đạt được dự thảo phiên bản sửa đổi NAFTA trước ngày 1/5, thời hạn do Chính quyền Tổng thống Donald Trump đề ra trước đó nhằm tránh cho nhôm và thép của Canada và Mexico bị áp thuế cao khi nhập khẩu vào Mỹ.

Tuy nhiên, triển vọng để các bên đạt được mục tiêu đề ra là rất khó bởi còn nhiều vấn đề gây tranh cãi chưa tìm được tiếng nói chung, nhất là về cơ chế giải quyết tranh chấp, cơ chế quản lý nguồn cung, siết chặt việc tiếp cận thị trường nông sản và về điều khoản cho phép các bên tham gia rút khỏi NAFTA sau 5 năm.

Hiện, các bên mới hoàn tất 6 trong khoảng 30 chương phải đàm phán lại.

NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, hiện chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada.

Washington đang gia tăng sức ép để sớm đạt được thỏa thuận, có thể là trước cuộc bầu cử tổng thống tại Mexico vào tháng Bảy tới hoặc là trước bầu cử Quốc hội giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.