Truyền thông Ai Cập ngày 4/2 cho biết, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế dự kiến diễn ra vào tháng Ba tới, nước này sẽ nhận được một gói viện trợ 10 tỷ USD dưới hình thức tiền ký quỹ tại các ngân hàng trung ương từ Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Ai Cập đặt hy vọng sẽ thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư mới tại hội nghị nói trên nhằm khôi phục nền kinh tế èo uột của mình do bất ổn chính trị và an ninh chính trị kể từ cuộc nổi dậy ngày 25/1/2011 lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Một nguồn tin chính phủ cấp cao cho biết các khoản ký quỹ nói trên nằm ngoài các khoản đầu tư mà Saudi Arabia, Kuwait và UAE sẽ cam kết tại hội nghị.
Năm 2013, ba quốc gia vùng Vịnh này từng cam kết viện trợ cho Ai Cập tổng cộng 12 tỷ USD bằng tiền mặt, tiền ký quỹ và các lô nhiên liệu nhằm thúc đẩy nền kinh tế của nước này sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ.
Gần đây, nền kinh tế Ai Cập đã chứng kiến một số dấu hiệu tích cực, trong đó có việc Fitch nâng xếp hạng tín dụng dài hạn của nước này từ mức "B-" lên mức "B" hồi tháng 12 năm ngoái.
Trong bản báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế khu vực công bố hồi tháng Một vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng dự báo tăng trưởng của Ai Cập trong năm 2015 từ 3,5% lên 3,8%. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Hany Kadry Dimian, mới đây dự báo kinh tế của đất nước các Kim Tự Tháp có thể dễ dàng đạt mức tăng trưởng hơn 4% trong tài khoá 2014/15 (kết thúc vào ngày 30/6 tới).
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6/2014, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi đã tập trung các nỗ lực cải cách nền kinh tế, trong đó có việc cắt giảm trợ cấp năng lượng và tăng thuế, đồng thời triển khai các dự án quy mô lớn như dự án đào tuyến kênh Suez mới dài 72 km chạy song song với tuyến kênh hiện hữu./.