Các nước xuất khẩu dầu trong và ngoài OPEC gia hạn cắt giảm sản lượng

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC vừa nhất trí kéo dài việc cắt giảm sản lượng dầu thô cho đến cuối năm 2018.
Các nước xuất khẩu dầu trong và ngoài OPEC gia hạn cắt giảm sản lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: rte.ie)

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC vừa nhất trí kéo dài việc cắt giảm sản lượng dầu thô cho đến cuối năm 2018 vì chính sách này đã đạt hiệu quả và giúp tăng đáng kể giá dầu thế giới trong năm nay. 

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid Al-Falih cho biết Saudi Arabia sẽ linh hoạt, tùy thuộc vào tình hình thị trường dầu mỏ và tuyên bố việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Liên minh 24 nước do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu cũng nhất trí sẵn sàng điều chỉnh lại chính sách này nếu việc tăng giá dầu khiến các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, đã tạm ngừng sản xuất khi giá dầu xuống thấp, trở lại thị trường.

Sự thành công của chiến lược giảm sản lượng trong thời gian gần đây đã đẩy giá dầu tăng gần 20% so với cách đây một năm. Điều này đã phản ánh sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay, nhưng việc tăng trưởng này cũng nhờ quyết định của OPEC hạn chế sản lượng và kiểm soát thị trường dầu mỏ thế giới.

Sau nhiều thập kỷ là lực lượng chi phối trong việc xác định nguồn cung cầu và giá cả, vai trò điều phối then chốt của OPEC bắt đầu nhạt dần trong những năm gần đây, khi các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ bắt đầu tăng sản lượng.

Điều này dẫn đến cung vượt cầu và giá giảm từ trên 100 USD xuống dưới 40 USD/thùng vào năm ngoái, dẫn đến quyết định của OPEC bắt tay với các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt ngoài OPEC cùng nhau hạn chế khai thác dầu thô. Tuy nhiên, chiến lược tiếp tục cắt giảm để tăng giá có thể không bền vững trong dài hạn và vai trò của OPEC có thể lại suy yếu.

Với mức giá cao nhất trong hai năm qua, các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ đang bắt đầu hoạt động trở lại sau khi đã tạm dừng sản xuất dầu mỏ do giá quá thấp. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 15% kể từ năm ngoái lên gần 10 triệu thùng/ngày, chỉ đứng sau Nga và Saudi Arabia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.