Ngày 6/1, các nhà nghiên cứu Australila vừa phát hiện nếu hệ miễn dịch tạo ra một phản ứng miễn dịch hệ thống trên toàn bộ cơ thể khả năng kháng lây nhiễm cục bộ sẽ bị cản trở.
Các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu trên sẽ giúp đánh giá hiệu quả của vắcxin đối với các nhóm bệnh nhân cụ thể, những người có biểu hiện phản ứng toàn thân như một căn bệnh mãn tính hoặc một phản ứng viêm nhiễm cấp tính.
Lý do là phần lớn vắcxin hiện nay được tiêm vào những khu vực cục bộ trên cơ thể, ví dụ như cánh tay, để kích thích phản ứng miễn dịch, từ đó tạo ra các kháng thể bảo vệ con người khỏi các bệnh truyền nhiễm trong tương lai.
Tác giả chính của nghiên cứu trên, giáo sư tại Đại học Melbourne, trưởng phòng thí nghiệm thuộc Viện nghiên cứu truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty, ông Scott Muller cho biết phát hiện mới trên có thể tác động đến hiệu quả của vắcxin đối với người từng có biểu hiện lây nhiễm toàn thân.
[Australia dừng thử nghiệm lâm sàng vắcxin của công ty CSL]
Theo báo cáo được công bố trên tạp chí Cell Reports, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mẫu thí nghiệm trên chuột để tìm hiểu cách thức hệ miễn dịch cân bằng các phản ứng cục bộ và hệ thống.
Kết quả cho thấy khi hai phản ứng trên xảy ra cùng lúc, các tế bào bạch cầu sẽ bị tách khỏi các hạch bạch huyết cục bộ để tham gia phản ứng miễn dịch hệ thống, làm suy yếu phản ứng đối với lây nhiễm cục bộ. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện các protein bảo vệ cơ thể (interferon) là một trong các dấu hiệu chính của quá trình phản ứng này.
Ông Muller cho biết điều đáng ngạc nhiên là phản ứng của tế bào T, loại tế bào có vai trò tiêu diệt virus gây bệnh, vẫn bình thường, nhưng phản ứng của kháng thể lại bị cản trở rõ rệt.
Ông Muller cho biết nghiên cứu đã kiểm chứng vắcxin trên cơ thể động vật bị lây nhiễm cấp tính cùng lúc 2 loại virus. Kết quả là phản ứng viêm nhiễm hệ thống do lây truyền có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vắcxin cục bộ. Điều này cũng có thể liên quan đến các phản ứng viêm nhiễm mãn tính hoặc các bệnh tự miễn dịch như lupus ban đỏ.
Tuy nhiên, ông Muller khẳng định cần thêm các nghiên cứu trong tương lai để trực tiếp xác định ảnh hưởng của các bệnh viêm nhiễm khác nhau đối với hiệu quả của vắcxin./.