Các phe phái đối địch của Libya đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc đề xuất nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Phát biểu với báo giới ngày 12/10, thành viên Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - tức cơ quan lập pháp cũ) Mahmud Abdel Aziz cho biết trong một tuyên bố ra tối 11/10, GNC đã bác bỏ thỏa thuận trên, đồng thời cho rằng "điều này sẽ khoét sâu thêm sự khác biệt giữa những người dân Libya."
Trong khi đó, nghị sỹ Ali Tekbali cho biết Quốc hội được quốc tế công nhận ở miền Đông dự kiến sẽ nhóm họp trong ngày 12/10 để thảo luận về thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc đề xuất. Tuy nhiên, ông này cũng bác bỏ kế hoạch của Liên hợp quốc, cho rằng chính phủ mà Liên hợp quốc đề xuất không phải là chính phủ đoàn kết.
Trước đó, hôm 9/10, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya, ông Bernardino Leon, đã thông báo danh sách ứng cử viên tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc mới tại quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này.
Cụ thể, Chính phủ đoàn kết dân tộc mới của Libya sẽ do Thủ tướng Fayez el-Sarraj đứng đầu, và ba phó thủ tướng là các ông Ahmad Meitig, Fathi el-Mejbri và Mussa el-Kouni, đại diện cho ba miền Đông, Tây và Nam Libya. Ngoài ra, trong bộ máy chính phủ cũng sẽ có sự tham gia của quan chức của cả Quốc hội Libya được dân bầu (HOR) và GNC.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi năm 2011.
Theo kế hoạch chuyển tiếp tại Libya, Quốc hội Libya (HOR) được dân bầu hồi tháng 6/2014 để thay thế GNC. Tuy nhiên, Liên minh Hồi giáo vũ trang Fajir Libya (Bình minh Libya) ủng hộ GNC và lập chính phủ tự xưng đặt tại thủ đô Tripoli, khiến chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố cảng Tobruk ở miền Đông.
Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho một loạt vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí.
Sau nhiều tháng thương lượng, Liên hợp quốc đã đề xuất một thỏa thuận hòa bình, theo đó thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Đầu năm nay, các phe phái đã nhất trí về nguyên tắc thành lập một chính phủ đoàn kết, song các bên vẫn còn bất đồng về mô hình, thành phần cũng như phương thức hoạt động của chính phủ này./.