Các quốc đảo kêu gọi hỗ trợ tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu

Trải dài trên 3 khu vực địa lý - từ Caribe, châu Phi đến Thái Bình Dương, nhiều quốc đảo nhỏ có chung những đặc điểm khiến những nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.

Quang cảnh Hội nghị quốc tế lần thứ 4 của Liên hợp quốc về các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS4). (Nguồn: Loop News)
Quang cảnh Hội nghị quốc tế lần thứ 4 của Liên hợp quốc về các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS4). (Nguồn: Loop News)

Các quốc đảo nhỏ trên thế giới kêu gọi được tiếp cận nhiều hơn với nguồn tài chính hỗ trợ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đánh thuế carbon đối với các công ty dầu khí, chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển đổi sang năng lượng bền vững.

Lời kêu gọi được đưa ra tại Hội nghị quốc tế lần thứ 4 của Liên hợp quốc về các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS4), khai mạc ngày 27/5 ở Antigua & Barbuda thuộc vùng Caribe.

Với chủ đề bao trùm “Vạch lộ trình hướng đến thịnh vượng bền vững," hội nghị kéo dài đến ngày 30/5 tập trung đánh giá khả năng các quốc đảo nhỏ trên thế giới đạt được phát triển bền vững.

Hiện nay, các quốc đảo này gặp khó khăn với các khoản nợ ngày càng tăng trong khi phải ứng phó những tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là vấn đề mực nước biển dâng cao.

Vì vậy, tăng cường viện trợ tài chính để các quốc đảo nhỏ này ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung nổi bật của chương trình nghị sự lần này.

Trải dài trên 3 khu vực địa lý - từ Caribe, châu Phi đến Thái Bình Dương, nhiều quốc đảo nhỏ có chung những đặc điểm khiến những nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài: những vùng lãnh thổ nhỏ có dân cư sống rải rác và biệt lập, với mô hình kinh tế đơn giản và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Hơn nữa, một số quốc gia đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới do biến đổi khí hậu với những đợt hạn hán tàn khốc, những cơn bão dữ dội và mực nước biển dâng cao.

Trong tình cảnh đó, nhiều quốc đảo nhỏ không đủ nguồn lực tài chính để xây dựng biện pháp ngăn chặn và ứng phó và cũng không đủ điều kiện để được hưởng viện trợ tài chính.

Phát biểu với vai trò chủ trì hội nghị, Thủ tướng của Antigua & Barbuda, ông Gaston Browne cho rằng các quốc đảo nhỏ đang phát triển trên thế giới đang phải đương đầu với hàng loạt khủng hoảng, trong đó mối đe dọa đòi hỏi hành động cấp bách nhất liên quan đến những thảm họa ngày càng tồi tệ do biến đổi khí hậu gây ra.

Ông Browne kêu gọi các nước giàu trên thế giới thực hiện đầy đủ cam kết nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, theo những mục tiêu mà Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu đặt ra, trong đó có việc đảm bảo giới hạn lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và duy trì nhiệt độ Trái Đất không tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại sự kiện trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc đảo nhỏ đang phát triển trên thế giới ứng phó tình hình mực nước biển dâng.

Ông Guterres cho rằng các quốc gia này có quyền yêu cầu được cung cấp tài chính nhiều hơn từ quỹ “thiệt hại và mất mát” - một công cụ hỗ trợ các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra năm ngoái đã thông báo việc đưa quỹ trên vào hoạt động.

Theo ước tính của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các quốc đảo nhỏ đang phát triển cần khoảng từ 4,7-7,3 tỷ USD mỗi năm chỉ để chi cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hầu hết các quốc đảo nhỏ được phân loại là quốc gia có thu nhập trung bình trở lên, đồng nghĩa không được tiếp cận viện trợ quốc tế và nguồn tài chính ưu đãi dành cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.

Ngoài việc tìm kiếm viện trợ từ bên ngoài, nhiều quốc đảo nhỏ đang phát triển cũng đang hướng tới cải cách nền kinh tế của chính mình.

Các ưu tiên bao gồm phát triển các lĩnh vực năng lượng tái tạo và tham gia "nền kinh tế xanh" về đánh bắt hải sản bền vững và bảo tồn đại dương - một cơ hội quan trọng đối với các quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục