Các SME châu Á đối mặt với những thách thức về chuỗi cung ứng

Xung đột Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình và đẩy hệ sinh thái chuỗi cung ứng đến giới hạn và cũng là những thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang phải đối mặt.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng container Dương Sơn ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. (nh: THX/TTXVN)

Theo bài viết trên báo The Business Times, cuộc xung đột Nga-Ukraine là làn sóng đứt gãy mới nhất quét qua thế giới.

Kết quả là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có những làn sóng chấn động, cộng thêm những thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang phải đối mặt, trong đó có sự phục hồi không chắc chắn từ đại dịch COVID-19 và chuỗi cung ứng toàn cầu bị kéo căng.

Ngay cả trước khi cuộc chiến nổ ra, chuỗi cung ứng toàn cầu đã rất mong manh. Độ tin cậy của lịch trình vận tải toàn cầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 1/2022, gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển và tình trạng thiết hụt nguồn cung trên toàn cầu.

Xung đột đã làm trầm trọng thêm tình hình và đẩy hệ sinh thái chuỗi cung ứng đến giới hạn. Hãng Moody’s nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraine đã thay thế COVID-19 trở thành rủi ro lớn nhất mà chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt.

[ADB đánh giá về triển vọng phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á]

Không có gì ngạc nhiên khi khoảng 15.000 chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-châu Âu đã được thực hiện vào năm 2021, với nhiều tuyến thương mại chạy qua Nga và Ukraine.

Sự gián đoạn và xác định lại các tuyến đường này do cuộc xung đột có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn nữa trên khắp chuỗi cung ứng. Có những tác động rất lớn đối với các SME vốn đang phải đối mặt với những thách thức to lớn về chuỗi cung ứng.

Thiết kế lại chuỗi cung ứng

Việc giải quyết các thách thức đang làm tê liệt về chuỗi cung ứng sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi khỏi các mô hình đang tồn tại dựa vào hàng tồn kho và giao hàng đúng lúc. Nhiều công ty hiện đang tìm cách xây dựng và tích trữ để chuẩn bị cho những cũ sốc về chuỗi cung ứng trong tương lai.

Mặc dù điều đó giảm thiểu tác động của những sự gián đoạn đối với sản xuất trong tương lai và cải thiện sức bền của chuỗi cung ứng, nhưng hàng tồn kho lại ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động giá trị.

Hơn nữa, “lượng hàng tồn an toàn” này cũng có nguy cơ lỗi thời do những tiến bộ về công nghệ hay nhu cầu khách hàng thay đổi. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên quý giá và mất doanh thu nếu không quản lý cẩn thận.

Đồng thời, các doanh nghiệp đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các nhà cung cấp của họ để xác định các nút thắt quan trọng tiềm ẩn. Với những sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra, việc phụ thuộc quá mức vào các nhà cung cấp hay người bán hàng chuyên biệt ở những địa điểm cụ thể có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền làm trì hoãn sản xuất.

Thanh khoản và giảm thiểu rủi ro thông qua tài trợ thương mại

Các SME cần xác định và mở khóa các nguồn tài trợ thay thế nhằm đảm bảo các dòng tiền bền bỉ. Theo Khảo sát về khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng toàn cầu của APEC, chi phí là thách thức lớn nhất cản trở các SME ở châu Á-Thái Bình Dương trong việc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của họ.

Nhiều công ty đã và đang phải hứng chịu gánh nặng nợ nần cao do đại dịch COVID-19. Lạm phát tăng vọt và giá năng lượng tăng cũng làm trầm trọng thêm những thách thức tài chính.

Ngoài ra, sự không chắc chắn của phục hồi kinh tế vĩ mô do xung đột Nga-Ukraine đã khiến các nhà đầu tư thận trọng và các ngân hàng tập trung tài trợ cho các mối quan hệ đã được thiết lập và bảo thủ hơn.

“Chuyến bay đến chất lượng” đã khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các SME, bị hạn chế các lựa chọn cho tài trợ thương mại. Các công ty nhỏ hơn thường không thể chứng minh được mức độ tín nhiệm hay xuất trình thêm tài sản thế chấp theo yêu cầu của các ngân hàng để giảm thiểu rủi ro cho vay theo hệ thống ngân hàng truyền thống.

Một số công ty cũng có thể sử dụng đến nguồn vốn tự có, điều này dẫn đến những thách thức đáng kể hơn về dòng tiền trong một cuộc khủng hoảng kéo dài.

Một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy khoảng cách tài trợ thương mại toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 1.700 tỷ USD vào năm 2020, tăng 15% so với năm 2018, và các SME chiếm khoảng 40% những yêu cầu tài trợ thương mại bị từ chối.

Không có thanh khoản ngắn hạn và giảm thiểu rủi ro do tài trợ thương mại, người mua và người bán sẽ bị cản trở trong nỗ lực của họ nhằm khai thác hàng hóa đã giao dịch để phục hồi.

Một lựa chọn mà các SME có thể xem xét là cách tiếp cận “không nhờ vả” đối với việc tài trợ ngoài bảng cân đối. Lựa chọn này về cơ bản là loại bỏ gánh nặng các khoản vay.

Các nhà cung cấp có thể tận dụng các nền tảng tài trợ hóa đơn để yêu cầu khách hàng thanh toán sớm thông qua nhà tài trợ bên thứ ba. Trên thực tế, họ đang bán hóa đơn và nhận được tài chính mà không gặp rủi ro. Nó giảm nguy cơ bị chậm thanh toán và nợ xấu.

Người mua cũng có thể khai thác các lựa chọn tương tự, cho phép họ tối đa hóa chu kỳ chuyển đổi tiền mặt và kéo dài thời hạn phải thanh toán cho nhà cung cấp, giải phóng vốn lưu động mà có thể bị mắc kẹt trong chuỗi cung ứng.

Không giống như cho vay thương mại, những lựa chọn tài trợ ngoài bảng cân đối như vậy cho phép các SME giữ tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức thấp và bảo toàn khả năng vay vốn của họ trong khi đa dạng hóa khả năng tiếp cận nguồn vốn và giảm bớt sự phụ thuộc vào các thể chế tài chính truyền thống. Nó cũng giúp họ giảm thiểu rủi ro đối với các khoản phải thu và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.

Chuẩn bị cho một tương lai bất ổn

Những xu hướng này sẽ làm gia tăng mong muốn của cộng đồng SME đối với các lựa chọn tài trợ thay thế khi họ tìm kiếm nhiều cách thức hơn để quản lý rủi ro trong các quy trình thương mại và cải thiện tính thanh khoản để vượt qua “cơn bão.”

Hệ sinh thái dịch vụ tài chính của châu Á-Thái Bình Dương phải phát triển để đáp ứng những nhu cầu này. Điều này sẽ mang lại cho các SME cơ hội hành động chống lại những thách thức kinh niên về chuỗi cung ứng và cơ hội để phục hồi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục