Các thành viên SCO cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh

Trong thời gian tới, các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ ưu tiên triển khai hợp tác trên lĩnh vực thương mại, năng lực sản xuất hàng hóa, xây dựng hạ tầng, tài chính...
Các thành viên SCO cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn: THX/TTXVN)

Với chủ đề “Nghiên cứu hiện trạng, tương lai và biện pháp phát triển hợp tác kinh tế -thương mại, đầu tư, tài chính, giao thông và giao lưu nhân dân,” cuộc họp của Hội đồng người đứng đầu chính phủ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 14 đã diễn ra trong hai ngày 14-15/12, tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, cuộc họp do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì, với sự tham dự của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và các nhà lãnh đạo chính phủ của các nước thành viên và quan sát viên SCO.

Ngoài ra, người đứng đầu các tổ chức và cơ chế quốc tế như Ủy ban kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA)... cũng đến dự.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh 14 năm qua, SCO đã gắn kết các quốc gia thành viên, hợp tác cùng thắng trên cơ sở bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, tôn trọng các nền văn minh đa dạng, hiệp thương nhất trí giải quyết quan hệ giữa các quốc gia thành viên và các sự vụ của SCO.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, SCO thực hiện theo nguyên tắc không liên minh, không đối kháng, không nhằm vào bên thứ 3 và mở cửa ngoại thương, góp phần thúc đẩy sự ổn định, phát triển phồn vinh của khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh tình hình mới, đứng trước sức ép kinh tế giảm tốc, an ninh bị đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố, các nhà lãnh đạo SCO đã đi sâu thảo luận hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tăng cường hợp tác về an ninh và kinh tế, nhằm thúc đẩy sự kết nối trong chiến lược phát triển của mỗi nước thành viên, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà các bên cùng quan tâm.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đề xuất Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC) và SCO bắt đầu tham vấn với các nước thành viên ASEAN để hình thành mối quan hệ đối tác kinh tế trên nguyên tắc bình đẳng về quyền và lợi ích.

Theo Thủ tướng Medvedev, trước tiên mối quan hệ này cần tập trung vào việc bảo vệ các dự án đầu tư và tối ưu hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, cũng như đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật chung đối với các sản phẩm. Thủ tướng Nga cũng lưu ý tới triển vọng hình thành hệ thống giao kết nối trong SCO.

Đề cập đến các mối quan hệ đối tác và liên minh quốc tế khác, ông Medvedev lưu ý rằng Nga không chống lại các liên minh quốc tế khác, song cho rằng cần có quy tắc hành xử thống nhất trong lĩnh vực kinh tế do khối lượng trao đổi thương mại quốc tế giảm đồng thời sự bất ổn tiền tệ tăng lên.

Ông cho rằng tình hình đang ngày càng phức tạp bởi những nỗ lực thay đổi các cơ cấu quan hệ thương mại quốc tế hiện có, tạo nên sự phân mảnh của các quan hệ kinh tế thế giới, và bức tranh kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, điều này được thực hiện thông qua các nỗ lực thành lập cái gọi là các mối quan hệ độc quyền, kể cả việc thành lập tất cả các hình thức quan hệ đối tác.

Tuy nhiên Thủ tướng Medvedev khẳng định Nga không phản đối việc thiết lập các mối quan hệ đối tác kiểu như đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các tổ chức khác.

Hội nghị SCO 14 đã ra Thông cáo chung, tổng kết các thành quả hợp tác trong năm qua và đề ra phương hướng phát triển tiếp theo.

Đáng chú ý là các nhà lãnh đạo chính phủ SCO đã chứng kiến lễ ký kết hàng loạt văn kiện hợp tác, trong đó có “Kế hoạch hợp tác hải quan SCO 2016-2021.”

Trong thời gian tới, các thành viên của SCO sẽ ưu tiên triển khai hợp tác trên lĩnh vực thương mại, năng lực sản xuất hàng hóa, xây dựng hạ tầng, tài chính..., tích cực thu hút các nước quan sát viên, các đối tác đối thoại tham gia cùng hợp tác.

Được thành lập năm 2001, SCO hiện có các thành viên chính thức gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, và Uzbekistan.

Các nước quan sát viên gồm Afghanistan, Iran, Ấn Độ, Pakistan và Mông Cổ. Các đối tác đối thoại là Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.