Các tỉnh ĐBSCL xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Cần Thơ sẽ phối hợp với nhiều tỉnh ĐBSCL tăng cường xúc tiến thương mại tại nước ngoài nhằm phấn đấu kim ngạch toàn vùng đạt trên 11 tỷ USD trong năm 2014.
Các tỉnh ĐBSCL xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ảnh 1Vận chuyển gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại từ nay đến cuối năm, tổ chức ngày 1/8, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Du lịch Cần Thơ, cho biết từ nay đến cuối năm, Cần Thơ sẽ phối hợp với nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường xúc tiến thương mại tại nước ngoài nhằm góp phần tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường nói trên, phấn đấu kim ngạch toàn vùng đạt trên 11 tỷ USD trong năm 2014.

Tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang sẽ tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Accenta tại thành phố Ghent, vùng Đông Flanders, Vương quốc Bỉ, từ ngày 6-14/9. Trong đó, Cần Thơ có 46 doanh nghiệp tham gia hội chợ.

Ban tổ chức hội chợ dành cho các doanh nghiệp Cần Thơ 46 gian hàng với tổng diện tích 1.000m2 để trưng bày các mặt hàng gạo, thủy sản, may, giày da, thủ công mỹ nghệ, nông sản chế biến, dịch vụ du lịch miễn phí.

Sau đó, thành phố sẽ khảo sát thị trường Dubai và tham gia chương trình Big 5 Dubai 2014.

Tỉnh Cà Mau cũng sẽ tham gia Hội chợ Seafood Japan, kết hợp khảo sát thị trường và xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tại Nhật Bản, đồng thời tham gia hội chợ Fine Food, kết hợp khảo sát thị trường và xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tại Australia và tham gia hội chợ Worldfood Moscow 2014 tại Cộng hòa Liên bang Nga.

Tỉnh Kiên Giang tham gia Hội chợ triển lãm du lịch quốc tế mùa Thu tại Nga kết hợp xúc tiến đầu tư và thương mại tại đây; tham gia Hội chợ triển lãm xúc tiến đầu tư kết hợp với xúc tiến thương mại, du lịch châu Á 2014 tại Singapore và Hội chợ quốc tế gạo Trung Quốc kết hợp với xúc tiến đầu tư và du lịch.

Trước đó, hàng chục doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xúc tiến thương mại tại các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Thái Lan, Peru, một số nước EU, Trung Đông, châu Phi và đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu trị giá hàng trăm triệu USD, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn vùng bảy tháng đầu năm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 233 triệu USD so cùng kỳ năm ngoái.

Thông qua bộ phận Thương vụ thuộc các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được cung cấp thông tin mới nhất về kinh tế, thương mại, thị trường ở các nước sở tại.

Các Thương vụ đã tích cực hỗ trợ nhiều đoàn d oanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long khảo sát thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp ở nước ngoài đồng thời thực hiện tốt công tác tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ tốt vướng mắc, tranh chấp giữa doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp nhiều nước sở tại.

Các hoạt động trên đã giúp các doanh nghiệp trong vùng khắc phục nguyên nhân gây cản trở hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thâm nhập vào những thị trường tại nhiều nước, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa tại các nước đang phát triển cũng như các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm tăng bình quân 8%; vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào vùng này tăng bình quân 4%/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.