Các tỉnh miền Bắc khẩn trương ứng phó với mưa to, lũ lớn

Các tỉnh và các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; triển khai công tác phòng, chống lũ, kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các khu dân cư đang sống ở vùng trũng thấp.
Các tỉnh miền Bắc khẩn trương ứng phó với mưa to, lũ lớn ảnh 1Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã vào chỗ trú ẩn an toàn. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Sáng 18/7, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, đã có Công điện số 06/CĐ-TW điện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố miền Bắc, các bộ, ngành về việc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 2 (bão Rammasun), từ đêm 18/7, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ vừa và lớn với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4 đến 6m, ở hạ lưu từ 2 đến 4m; mực nước sông Thao tại Yên Bái, sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng ở mức báo động ba; mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động hai đến báo động ba, có nơi trên báo động ba, hạ lưu tại Phả Lại lên mức báo động một đến báo động hai. Các sông nhỏ vùng núi phía Bắc có khả năng vượt mức báo động ba.

Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời những sự cố do mưa lũ gây ra, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh và các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; triển khai công tác phòng, chống lũ, kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các khu dân cư đang sống ở vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, đặc biệt các khu vực đang có diễn biến sạt lở biết thông tin để chủ động phòng tránh.

Các đơn vị tổ chức sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

Tổ chức kiểm tra đê điều, hồ, đập, các công trình đang thi công trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay những sự cố dảm bảo an toàn công trình; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du các hồ chứa trong mọi tình huống; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng, thấp và có biện pháp chống ngập để đảm bảo sản xuất.

Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và chủ đầu tư, đơn vị thi công trên các khu vực biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ; nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục