Các tỉnh phía Bắc triển khai sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa

Trong sản xuất lúa vụ Hè Thu và vụ Mùa 2022, các tỉnh phía Bắc dự kiến gieo cấy gần 1,2 triệu ha, giảm 20.000ha so với năm 2021; năng suất trung bình dự kiến 53,1 tạ/ha,sản lượng ước 6,37 triệu tấn.
Các tỉnh phía Bắc triển khai sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa ảnh 1Thu hoạch lúa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 27/5, tại thành phố Thái Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa và định hướng vụ Đông năm 2022 các tỉnh phía Bắc.

Đây là hội nghị quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của khu vực nhằm đánh giá lại sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, đồng thời đúc rút những kinh nghiệm cho sản xuất vụ sau, đặc biệt là việc triển khai sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa, vụ Đông năm 2022 với những dự báo thời tiết nhiều bất thường.

Là vụ sản xuất lúa quan trọng nhất trong năm của các tỉnh phía Bắc, vụ Đông Xuân 2021-2022 có tổng diện tích gieo cấy ước đạt trên 1 triệu ha (giảm khoảng 8.000ha so với vụ Đông Xuân năm trước do chuyển đổi sang các loại cây rau màu khác và mục đích phi nông nghiệp).

Theo bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ Đông Xuân 2021-2022 gặp nhiều khó khăn do giá phân bón ở mức rất cao so với cùng kỳ (một số loại phân bón nhập khẩu tăng 80-100%), ảnh hưởng đến đầu tư cho sản xuất lúa.

Thời tiết có nhiều bất thường như nền nhiệt độ trung bình vụ thấp hơn trung bình nhiều năm; mưa lớn vùng Bắc Trung bộ từ 31/3-3/4 gây ngập lụt, ngã đổ nhiều diện tích lúa.

[Vụ Đông Xuân ở phía Bắc đạt kỷ lục về năng suất và sản lượng]

Năng suất và sản lượng vụ Đông Xuân 2021-2022 đều giảm so với vụ Đông Xuân năm trước; trong đó, năng suất ước đạt khoảng 62,7 tạ/ha, giảm 1,8 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước; sản lượng ước đạt 6,8 triệu tấn, giảm khoảng 246.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ có năng suất trung bình đạt 61,3 tạ/ha, giảm 4,1 tạ/ha so với năm trước; các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đạt 65,8 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha; các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đạt 58,5 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha. Lợi nhuận trung bình trên đơn vị diện tích gieo cấy cũng giảm hơn so với vụ trước khoảng 2,8 triệu đồng/ha.

Do điều kiện thời tiết, thời gian sinh trưởng lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 kéo dài từ 7-10 ngày dẫn tới vụ Hè Thu, vụ mùa và thời vụ làm cây vụ Đông 2022 cũng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, yếu tố thời tiết từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay cũng nhiều bất thuận cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết từ nay đến cuối năm 2022 dự báo trên khu vực Biển Đông sẽ có khoảng 4-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

Đặc biệt, cần đề phòng bão có thể xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm. Từ tháng 7 đến tháng 9/2022 dự báo lượng mưa ở khu vực Bắc bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%, riêng tháng 8 cao hơn từ 5-15%; dự báo lũ tại khu vực Bắc bộ có thể cao hơn mức trung bình nhiều năm.

Về sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa 2022 toàn vùng dự kiến gieo cấy gần 1,2 triệu ha (giảm khoảng 20.000ha so với năm 2021); năng suất trung bình dự kiến đạt 53,1 tạ/ha (tăng khoảng 0,8 tạ/ha); sản lượng ước đạt 6,37 triệu tấn.

Để tiếp tục giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất góp phần bù đắp sản lượng lúa đã bị giảm trong vụ Đông Xuân vừa qua, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần khẩn trương thu hoạch lúa Đông Xuân 2021-2022, khi lúa vừa chín tới theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” và thực hiện nguyên tắc gieo cấy vụ Hè Thu, vụ mùa càng sớm càng tốt.

Đồng thời, tăng cường sử dụng các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất, chất lượng, chống chịu khá với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Mỗi địa phương nên cơ cấu từ 3 - 4 giống lúa chủ lực và 3-4 giống lúa bổ sung.

Về sản xuất vụ Đông 2022, toàn vùng có khoảng 400.000ha diện tích; tỷ lệ cơ cấu cây ưa ấm và cây ưa lạnh khoảng 50-50% diện tích; phấn đấu tổng giá trị sản xuất khoảng 32.000-34.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất trung bình đạt 80-85 triệu đồng/ha.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo định hướng phát triển vụ Đông như một vụ chính, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành trồng trọt; đồng thời phát triển vụ Đông theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Để tiếp tục sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương và ngành liên quan bám sát tình hình, chủ động phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa nhất là nguy cơ đạo ôn cổ bông, rầy; chuẩn bị tiêu thoát nước trong điều kiện thời tiết bất thường; tập trung mọi điều kiện để thu hoạch nhanh gọn lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng.”

Đối với vụ Hè Thu, vụ mùa sẽ bị muộn do thời gian vụ Đông Xuân kéo dài hơn cùng kỳ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý ngay sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân cần tiến hành làm đất ngay, cấy càng nhanh càng tốt đồng thời tính toán kỹ lưỡng về lịch thời vụ, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày, riêng vùng Bắc Trung bộ là giống cực ngắn, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng không nên gieo xạ nhiều…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra chất lượng, kiểm soát về giá vật tư, phân bón; chủ động phương án đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; làm tốt việc dự báo diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh…đảm bảo các yếu tố, điều kiện sản xuất thắng lợi.

Dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen cho 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.