Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến đầu tháng Ba này, có khoảng 139.000ha lúa Đông Xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại từ 30-70% do hạn hán, xâm nhập mặn.
Tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu... nhiều diện tích lúa Đông Xuân bị chết cháy do nhiễm mặn, hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính quyền các tỉnh này đang nỗ lực chống hạn như khoan giếng cấp nước sinh hoạt cho người dân, nạo vét kênh mương lấy nước cứu lúa.
Những cánh đồng “cháy”
Đến xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang những ngày này, những cánh đồng mênh mông nứt nẻ, lúa chết khô; nhiều diện tích lúa Đông Xuân chuẩn bị làm đòng, thiếu nước tưới cũng đang ngả màu vàng và chết dần.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòn Đất Nguyễn Văn Phát cho biết toàn huyện có hơn 1.000ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại từ 50-100%; trong đó có 500ha bị mất trắng do không có nước tưới.
Vào ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, tình hình còn thảm thương hơn, bởi nhiều diện tích lúa trổ bông bị chết cháy, cũng có thửa ruộng nông dân đang thu hoạch, nhưng tỷ lệ hạt lép đến quá nửa.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Bé cho biết gia đình anh có 9ha lúa Đông Xuân, nhưng chỉ thu hoạch được một nửa diện tích, còn lại là phải bỏ trắng và coi như vụ lúa này gia đình anh lỗ nặng.
Tại tỉnh Cà Mau đến nay đã có 50.000ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại; trong đó, thiệt hại từ 70% chiếm hơn 27.000ha và đều tập trung tại huyện Trần Văn Thời.
Ông Nguyễn Văn Ul ở ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ, nhà ông xuống giống 1ha lúa Đông Xuân, ngay từ tháng 10 Âm lịch năm 2015 dù thấy nước kênh Chùm Thuật đang cạn dần, nhưng nếu không sản xuất thì không có thu nhập. Vì vậy, hầu hết nông dân ở đây đều xuống giống, bơm nước vào tưới ruộng, nhưng đến những ngày gần Tết Nguyên đán, càng bơm nước vào lúa càng héo khô.
Khi các kỹ sư nông nghiệp trong huyện đo độ mặn mới phát hiện nước kênh đạt 4 phần nghìn, cây lúa không sống nổi, 1 ha lúa của ông Ul cũng bị thiệt hại 70% nên ông không thu hoạch, đành bỏ luôn, ông Ul cho biết thêm.
Không riêng cây lúa, nhiều cây hoa màu khác cũng không chịu nổi mùa khô hạn, thiếu nước tưới nên ảnh hưởng đến năng suất. Huyện Trần Văn Thời đã quy hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ 5 năm nay, vụ này đã chuyển hơn 1.000ha lúa vụ Đông Xuân sang trồng đậu xanh.
Trước đây, hầu hết nông dân trong huyện đều sản xuất 3 vụ lúa, nhưng hiện nay họ đã luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ đậu xanh. Với hình thức luân canh này, trong vụ lúa sau nông dân không phải bón nhiều đạm, giảm chi phí cải tạo đất và sử dụng thuốc trừ sâu.
Theo ông Nguyễn Hùng Thích ở ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, vụ này ông sản xuất 8.000m2 đậu xanh nhưng với thời tiết hiện nay, ruộng đậu xanh không cho năng suất cao như những năm trước.
Trước khi xuống giống đậu, ông phải đào lỗ mới rải hạt giống, nhưng năm nay ông chỉ cần bỏ hạt giống xuống các khe nứt nẻ trên ruộng là xong. Nhưng cũng chính điều này làm cho ruộng đậu thiếu nước, thay vì thu hoạch 3 lần/vụ như năm trước, nay ông Thích chỉ thu hoạch 2 lần/vụ đậu, nhưng hạt đậu cũng không tròn, mẩy, đạt chất lượng cao như năm trước.
Chủ quan khiến thiệt hại lớn
Theo ông Nguyễn Văn Phát, với hơn 1.000ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại, nông dân bị mất trắng hàng trăm triệu đồng. Với mỗi hécta lúa nông dân phải đầu tư từ 20 triệu đồng, hộ nào càng gieo cấy nhiều thiệt hại càng lớn.
Thời gian trước Tết Nguyên đán, trong lúc lúa đang làm đòng gặp sương muối lạnh, thêm rầy phấn trắng phát triển nên lúa không ngậm hạt. Thêm vào đó, nửa tháng sau Tết Nguyên đán nước mặn theo kênh Đòn Giông của huyện Kiên Lương đổ vào Bình Giang, nhiều nông dân không biết độ mặn trong kênh lên cao nên bơm vào tưới lúa. Do đó, thiệt hại lúa của Bình Giang vừa do hạn vừa do nhiễm mặn gây nên.
Còn tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau với đặc thù là phụ thuộc vào nước mưa, nên khi hạn hán không có nguồn nước nào cung cấp cho lúa phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, khi mùa mưa đến, hầu hết nông dân đều giữ nước trong kênh, mương nội đồng để sử dụng cho đến mùa mưa sau. Tại các kênh lớn trong huyện, vào mùa mưa cũng là nơi trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất, tưới tiêu. Vì vậy, năm nay mùa mưa kết thúc sớm làm cho lượng nước ngọt trữ được phải sử dụng trong thời gian dài hơn.
Không những vậy, năm nay xuất hiện hiện tượng El Nino, hạn hán kéo dài, nắng nóng, nhiệt độ tăng từ 0,5 độ C đến 1 độ C làm cho nước bốc hơi nhanh lượng nước trong kênh lớn của huyện cũng như kênh nội đồng không đủ để tưới lúa cũng như hoa màu. Một số vườn cây ăn trái trong huyện cũng thay đổi chu kỳ, điển hình như cây xoài, năm trước ra hoa vào đầu tháng Một vừa qua, nhưng năm nay đến đầu tháng Ba này mới ra hoa, tính ra, chu kỳ này chậm hơn bình thường 2 tháng.
Tại tỉnh Bạc Liêu, nước mặn xâm nhập sâu và hạn kéo dài đã gây thiệt hại gần 11.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và 12.000ha lúa Đông Xuân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lương Văn Lân cho biết do mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm hơn những năm trước 1 tháng và lưu lượng mưa cũng giảm 14% nên không đủ nước ngọt đẩy nước mặn trong tháng 7/2015 nên mặn đẩy mạnh từ khu vực biển Tây của tỉnh Kiên Giang vào khu vực Hồng Dân của Bạc Liêu gây thiệt hại trà lúa ở đây.
Hơn nữa, đến tháng Một Âm lịch vừa qua, mặn tiếp tục vào đạt mức 4 phần nghìn tại Ninh Quới tác động đến lúa nên phải đóng cống phân ranh mặn ngọt của khu vực. Khi mặn vào đã gây thiệt hại 9.000ha lúa Tài nguyên đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Bạc Liêu.
Việc lấy mặn, giữ ngọt cung cấp cho vùng phân ranh mặn ngọt giữa một bên nuôi tôm với diện tích 130.000ha với 145.000ha sản xuất lúa của Bạc Liêu đã đặt ra một bài toán khó trong quy hoạch phát triển khu vực này.
Cũng chính vì thế mà hệ thống cống khép kín của Bạc Liêu chưa thể hoàn thiện và nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất cho cả lúa và tôm vẫn còn tiếp diễn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, với hiện tượng El Nino hoạt động mạnh, mùa hạn có thể kéo dài đến tháng 7-8 tới và dẫn đến nhiều hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long.
Để giảm thiệt hại lớn về sản xuất lúa cũng như nuôi trồng thủy sản của khu vực này, mỗi địa phương đều phải tự tìm giải pháp ứng phó mới có thể cứu lúa, cứu tôm khi mùa hạn kéo dài./.