Chống khai thác IUU, phát triển kinh tế biển ở Đồng bằng sông Hồng (Bài 1)

Các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng vào cuộc quyết liệt

Các tỉnh ven biển phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng gồm Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể với quyết tâm cùng cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU.

Tàu thuyền neo đậu trên bến cá xã Giao Hải, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)
Tàu thuyền neo đậu trên bến cá xã Giao Hải, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản (Chỉ thị 32), các tỉnh ven biển phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng gồm Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể với quyết tâm cùng cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024; đồng thời, thực hiện cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Qua đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Phóng viên TTXVN giới thiệu loạt 3 bài viết với chủ đề “Chống khai thác IUU, phát triển bền vững kinh tế biển phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng.”

Bài 1: Các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng vào cuộc quyết liệt

Xác định công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách nhằm quyết tâm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, thời gian qua, các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả và có tính thực tiễn cao.

Việc tháo gỡ “thẻ vàng” có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp tăng hiệu quả xuất khẩu thủy sản sang EU mà còn tạo cơ hội phát triển ngành nuôi trồng và Khai thác hải sản bền vững tại Việt Nam.

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu

Năm 2017 là năm rất khó khăn với ngành Thủy sản Việt Nam khi Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo về chống khai thác IUU. Hơn 6 năm qua, từ các bộ, ngành Trung ương đến địa phương, trong đó có vùng Nam Đồng bằng sông Hồng đã có nhiều nỗ lực để khắc phục, song nỗi lo đổi màu sang cảnh báo đỏ vẫn thường trực khi các khuyến nghị vẫn chưa được giải quyết triệt để.

TTXVN_0108taucaIUU2.jpg
Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình phối hợp với Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tuyên truyền về IUU cho ngư dân khu vực biên giới biển. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động.Với đặc điểm ngư dân chủ yếu khai thác gần bờ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ về chống khai thác IUU, 3 tỉnh ven biển vùng Nam Đồng bằng sông Hồng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Công tác chỉ đạo được quán triệt đến từng địa phương, nhất là chính quyền các xã ven biển; các cơ quan, đơn vị để tăng cường vào cuộc triển khai tháo gỡ “thẻ vàng”. Đồng thời, các tỉnh tuyên truyền rộng rãi trong ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp; thực hiện khai thác và báo cáo theo quy định; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm.

Nam Định là tỉnh có số lượng tàu hoạt động khai thác thủy sản nhiều nhất trong khu vực với trên 1.760 tàu cá, trong đó có 531 tàu có chiều dài từ 15m trở lên.

Để cùng với các địa phương ven biển trên cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương ven biển thực hiện đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU.

Ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định cho biết để thay đổi tư duy, tập quán khai thác, hướng tới nghề cá có trách nhiệm, Chi cục đã phối hợp với các địa phương ven biển, các Đồn Biên phòng tăng cường tuyên truyền cho ngư dân trong việc chấp hành pháp luật; vận động các chủ tàu thuyền ký cam kết không vi phạm ranh giới vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt, Chi cục đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành văn bản gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tàu cá trên địa bàn vi phạm khai thác IUU.

Huyện ven biển Hải Hậu là một trong những địa phương có lượng tàu cá lớn tại tỉnh Nam Định với 192 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, trên 1.000 lao động tham gia khai thác xa bờ.

Theo ông Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, công tác chống khai thác IUU tại Hải Hậu thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt.

Huyện yêu cầu Ban chỉ đạo IUU các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát, xác minh, hướng dẫn ngư dân chấp hành tốt các quy định về khai thác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, bật thiết bị giám sát, ghi nhật ký khai thác.

Tại Thái Bình, việc chống khai thác IUU cũng được gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là cấp xã, thị trấn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình cho biết tỉnh có hơn 52km bờ biển, vùng biển rộng trên 3.000km2 với 2 huyện ven biển gồm Thái Thụy và Tiền Hải.

Đến nay tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh hoạt động khai thác hải sản đã đăng ký, nhập vào phần mềm dữ liệu tàu cá quốc gia VnFishbase là 706 tàu, trong đó có 166 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên.

Toàn bộ số tàu này được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, tỉnh Thái Bình chưa có tàu cá vượt ranh giới trên biển hoặc khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Với 4 xã ven biển thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình hiện có gần 66 tàu cá khai thác hải sản, trong đó có 6 tàu cá khai thác xa bờ.

Bên cạnh nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ký Kế hoạch phối hợp số 1964/KH-SNNPTNT ngày 12/5/2023 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa về kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng khai thác và phòng, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định giai đoạn 2023-2025.

Đồng thời, tỉnh ban hành nhiều công văn về việc phối hợp triển khai các biện pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Đồng hành cùng ngư dân

Với hàng nghìn lao động địa phương theo nghề biển một cách tự phát, “cha truyền, con nối” nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gặp thiên tai, sản lượng khai thác bấp bênh, thường xuyên khai thác sai vùng quy định.

TTXVN_0108taucaIUU3.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Kim Sơn tuyên truyền cho các ngư dân là thành viên Tổ tàu thuyền an toàn về IUU ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Vì vậy, khi thực hiện quy định chống khai thác IUU, tỉnh Thái Bình gặp không ít khó khăn, nhất là tập quán khai thác, đánh bắt của ngư dân đã tồn tại từ rất lâu.Để đồng hành cùng ngư dân, bên cạnh thực hiện công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục, năm 2020, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh.

Nhờ vậy, đã có 176 tàu trong tổng số 181 tàu cá chiều dài trên 15 mét lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (năm 2023) thay vì 30 tàu (trước khi có Nghị quyết).

Tiếp đó, năm 2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cước thuê bao vệ tinh duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá trên địa bàn giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh Thái Bình trích ngân sách tỉnh để hỗ trợ 50% theo hóa đơn giá trị gia tăng cước thuê bao vệ tinh duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình hằng năm (không bao gồm các dịch vụ phát sinh khác) nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/tàu/năm.

Một trong những điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là các thiết bị này không được tháo rời khỏi tàu và phải duy trì tín hiệu kết nối liên tục 24/24 giờ theo đúng quy định.

Nếu tàu cá vi phạm về vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 10 ngày liên tục trên biển, vị trí tàu cá nằm bờ liên tục từ 2 tháng trở lên sẽ không được hỗ trợ.

Những chính sách hỗ trợ đó đã góp phần không nhỏ, đồng hành cùng ngư dân trong việc tự giác chấp hành các quy định của IUU, đảm bảo hiệu quả khai thác đúng quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, để góp phần vào sự phát triển bền vững thủy sản Việt Nam, nâng cao uy tín, vị thế trên thương trường quốc tế, lực lượng Bộ đội Biên phòng ở các địa phương là lực lượng nòng cốt trong chống khai thác IUU.

Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt,” các chiến sỹ Biên phòng đã linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong phòng, chống khai thác IUU, đồng thời xây dựng thế trận lòng dân, chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu chung.

Thiếu tá Vũ Chí Công, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Thịnh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) chia sẻ ngoài việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các loại phương tiện tàu thuyền ra vào cửa sông, bãi ngang ven biển, đánh bắt trên vùng biển quản lý, đơn vị còn thường xuyên cử cán bộ, chiến sỹ xuống tận tàu của ngư dân đang neo đậu tại khu vực cảng để tuyên truyền cho người dân nắm được những quy định về chống khai thác IUU.

Ngoài ra, để kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ như: Tiến hành điều tra cơ bản tàu cá; xác định, phân loại nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để có các phương án quản lý, kiểm tra, kiểm soát phù hợp; truy tìm, xử lý nghiêm đối với những tàu cá không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát khi tàu cập cảng, rời cảng theo quy định.

Thượng tá Trần Văn Kha, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Ninh Bình cho biết Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường tuyên truyền, vận động, tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo khuyến nghị của EC, đồng thời đồng hành, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển bền vững.

Từ đó, ngư dân đã nâng cao ý thức trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và có nhiều hành động thiết thực góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch, triển khai đồng bộ những biện pháp biên phòng, nắm chắc tình hình, chủ động ngăn chặn và hỗ trợ ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của IUU, thực hiện “3 đúng” (đúng vùng, đúng tuyến, đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và quy định quốc tế) góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam./.

Bài 2: Chuyển biến tích cực trong phòng chống khai thác IUU

Bài 3: Tái cơ cấu, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên trong khai thác thủy sản

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.