Các tổ chức quốc tế đánh giá về triển vọng kinh tế của Ấn Độ

Báo cáo cập nhật về “Triển vọng kinh tế thế giới” vừa được công bố ngày 19/1 cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tài khóa hiện nay là 5,6%.
Các tổ chức quốc tế đánh giá về triển vọng kinh tế của Ấn Độ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: nytimes.com)

Báo cáo cập nhật về “Triển vọng kinh tế thế giới” vừa được công bố ngày 19/1 cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tài khóa hiện nay là 5,6%, song hạ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế của nước này trong tài khóa 2015-2016 xuống 6,3% so với mức 6,4% được đưa ra hồi tháng 10 vừa qua và sẽ đạt 6,5% trong tài khóa 2016-2017.

Theo IMF, nhu cầu bên ngoài yếu hơn sẽ được bù đắp bởi giá dầu thấp và tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và đầu tư, sau các biện pháp cải cách chính sách của Chính phủ Ấn Độ.

IMF cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 3,5% trong năm 2015 và 3,7% trong năm 2016, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm do với dự đoán được đưa ra hồi tháng 10/2014.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ được dự đoán tăng 3,6% năm 2015 và 3,3% năm 2016, cao hơn 0,5 điểm phần trăm và 0,3 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Ấn Độ - dự kiến tăng 1,2% trong năm 2015 và 1,4% trong năm tới, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm và 0,3 điểm phần trăm so với dự đoán gần đây nhất là tháng 10/2014.

Trong khi đó, theo báo cáo về “Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới năm 2015” của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), GDP của Ấn Độ dự kiến đạt 5,4% năm 2014, khoảng 5,9% trong 2015 và 6,3% vào năm 2016.

Báo cáo cho rằng tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đã dần cải thiện so với mức 5% trong năm 2013, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức 8% của thời kỳ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Kinh tế Ấn Độ phục hồi một phần nhờ lòng tin thị trường được cải thiện sau khi Chính phủ mới tại nước này lên cầm quyền trong quý 2/2014 và đưa ra các kế hoạch cải cách hành chính, luật lao động và chế độ trợ cấp.

Kinh tế khu vực Nam Á cũng được dự báo sẽ phục hồi dần dần, từ mức 4,9% trong năm 2014 lên 5,4% trong năm 2015 và 5,7% vào năm 2016.

Ngoài ra, các nền kinh tế khác của Nam Á như Bangladesh và Iran được dự đóan đạt mức tăng trưởng mạnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.