Các tổ chức tư vấn kinh tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức trong 2024

Báo cáo của nhóm chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế Đức đang gặp khó khăn và trong giai đoạn suy yếu kéo dài cho đến gần đây do các động lực tăng trưởng suy giảm.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Sindelfingen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Sindelfingen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo tổng hợp của các tổ chức tư vấn kinh tế hàng đầu ở Đức đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nền kinh tế này năm 2024 từ 1,2% xuống 0,1%.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng được cho là rơi vào suy thoái kỹ thuật sau quý đầu tiên của năm.

Báo cáo kinh tế 6 tháng một lần được nhóm chuyên gia kinh tế thuộc các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức như DIW ở Berlin, IfW ở Kiel, IWH ở Halle, RWI ở Essen và Ifo ở Munich, công bố ngày 27/3, với tiêu đề “Nền kinh tế Đức suy yếu - cải cách phanh nợ không phải là thuốc chữa."

Báo cáo cho rằng nền kinh tế Đức đang gặp khó khăn và trong giai đoạn suy yếu kéo dài cho đến gần đây do các động lực tăng trưởng suy giảm.

Các yếu tố kinh tế và cấu trúc chồng chéo trong tổng thể tăng trưởng trì trệ. Báo cáo dự đoán tình hình sẽ sớm bắt đầu được cải thiện, song cũng cảnh báo động lực tăng trưởng nhìn chung chưa mạnh lên.

Theo báo cáo, người tiêu dùng với sức mua đang phục hồi, khi lạm phát giảm và tiền lương tăng ở nhiều lĩnh vực, sẽ là "nhiên liệu quan trọng nhất cho phục hồi kinh tế."

Chính phủ Đức cũng điều chỉnh giảm dự báo kinh tế cách đây vài tuần, cảnh báo về khả năng rơi vào suy thoái kỹ thuật vào cuối quý 1/2024.

GDP của Đức giảm 0,3% so với cùng kỳ trong quý cuối cùng của năm 2023 và với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, nền kinh tế này được hầu hết các chuyên gia kinh tế đánh giá là suy thoái kỹ thuật.

Một yếu tố nữa khiến nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu này đi xuống trong những tháng gần đây là các cuộc đình công thường xuyên ảnh hưởng đến cả hệ thống đường sắt và hàng không ở Đức, gây ra nhiều bất lợi cho hoạt động kinh tế và các lĩnh vực khác do nhiều chuyến bay và tàu bị hủy.

Tuy nhiên, nhà điều hành đường sắt quốc gia Deutsche Bahn và Liên đoàn lái tàu Đức (GDL) hồi đầu tuần này đã đạt được thỏa thuận đột phá về thời gian làm việc, qua đó chấm dứt một trong những tranh cãi lớn về quyền lợi lao động sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.