Ngày 22/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo "Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) các cam kết cơ bản - những lưu ý cho doanh nghiệp."
Hội thảo cho rằng các quy định khắt khe trong CPTPP sẽ là yêu cầu đặt ra cũng như thời cơ để thúc đẩy sự cải cách, hoàn thiện thể chế và bảo đảm các nội dung cam kết đã ký của Việt Nam, đồng thời mang lại những cơ hội đáng kể từ các thị trường khác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, CPTPP sẽ trực tiếp thúc đẩy giao thương và đầu tư quốc tế cũng như nội khối.
Đây là hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất mà Việt Nam tham gia và có thể sẽ được thực thi trong tương lai gần.
Câu hỏi đặt ra là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để có sự chuẩn bị một chủ động, linh hoạt và đầy đủ để tận dụng tối đa thời cơ, điều kiện tốt cũng như giảm thiểu những nguy cơ, bất lợi... Nói chung, CPTPP mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đan xen không ít thách thức.
[Hiệp định CPTPP: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt]
Bình luận về ý nghĩa chiến lược của CPTPP với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, CPTPP sẽ tiếp tục tạo động lực cho cải cách của Chính phủ; giúp củng cố và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng kinh doanh, đầu tư quốc tế. Qua đó, xây dựng hình ảnh Việt Nam là môi trường ủng hộ tự do hóa thương mại và "chơi" theo luật quốc tế.
Cùng với đó, CPTPP còn tạo động lực thúc đẩy việc mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, có quan hệ thương mại tự do với nhiều nước hơn trong khu vực và thế giới. Ý nghĩa về mặt xã hội thì CPTPP sẽ giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo
Để lưu ý doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực thi các cam kết CPTPP, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi các nội dung có liên quan đến quy định, tiêu chuẩn, xuất xứ, đặc điểm tiêu dùng ở các thị trường các thành viên CPTPP; cũng như cần tìm hiểu tác động của CPTPP đối với từng mặt hàng khác nhau.
Theo ông Lộc, chắc chắn sự tham gia CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế và xuất khẩu cho Việt Nam nhưng cái được về lâu dài và to lớn khác là cơ hội để thực hiện cải cách, hoàn thiện thể chế theo hướng tiến bộ, phù hợp với yêu cầu và thông lệ quốc tế cả Việt Nam.../.