Ở nhà chống dịch COVID-19 không còn là chuỗi ngày quẩn quanh cùng đống công việc nhà ngổn ngang hay bị cảm giác nhàm chán ngự trị, mà giờ đây, các tín đồ thời trang và đam mê sáng tạo đã có thể tự tay làm cho mình những bộ trang phục mang đậm dấu ấn cá nhân từ những món đồ cũ trong tủ đồ của mình.
Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 như hiện nay, tại sao bạn không dành khoảng thời gian rảnh rỗi để tìm hiểu ngay những bí quyết tự tay thiết kế (DIY - Do It Yourself) những món đồ cũ thành những thứ mới mẻ hơn?
Các món đồ thời trang cũ kỹ, sờn rách, phai màu từng bị lãng quên trong một góc tủ ấy sẽ một lần nữa được tái sinh vẻ đẹp của mình nhờ bàn tay khéo léo và óc sáng tạo tuyệt vời của bạn.
Tất nhiên, khi tiến hành DIY quần áo cũ, bạn không cần phải sở hữu kỹ năng may đo đỉnh cao như các nhà thiết kế thời trang. Vì thế, hãy thỏa sức sáng tạo những điều mình thích và thể hiện nó trên mẫu biến tấu trang phục cũ của bạn thêm độc đáo, mới mẻ.
[Mê mẩn những chiếc túi xách cực phẩm cho mùa Xuân Hè 2020]
Những lời gợi ý sau đây giúp phái đẹp thổi sức sống mới cho những bộ quần áo cũ một hình hài thời thượng hơn, bắt kịp xu hướng thời trang Xuân Hè hiện hành qua kỹ thuật DIY đơn giản, dễ thực hiện.
Tie-dye: Kỹ thuật nhuộm màu loang sành điệu mùa Xuân Hè
Là xu hướng thời trang lên ngôi mạnh mẽ từ những năm 1970, tie-dye không chỉ thống lĩnh các sàn thời trang xa hoa những năm gần đây, mà còn được giới mộ điệu nhắc đến mỗi khi Hạ đến.
Các gam màu sặc sỡ được tạo hiệu ứng màu loang bắt mắt trên nền vải áo thun hoặc chiếc quần yêu thích đã và đang làm xiêu lòng bao cô gái, thì giờ đây, bạn đã có thể tự tay làm cho mình một món đồ tie-dye tuyệt đẹp theo gu của mình.
Vật liệu cần chuẩn bị: Găng tay nhựa, tạp dề hoặc quần áo cũ, thuốc nhuộm vải, chai nhựa có ống xịt, dây thun, túi nhựa kéo, gậy gỗ, thuốc hãm màu, bình đựng (bằng thủy tinh) và nước nóng, áo thun trắng hoặc quần trắng.
Cách thực hiện:
Bước 1: Giặt sạch quần áo trắng để loại sạch các hóa chất được sử dụng trên áo trước khi tiến hành tie-dye.
Bước 2: Pha loãng thuốc nhuộm vải trong nước nóng, sau đó, để dung dịch thuốc nguội và cho vào bình nhựa có ống xịt.
Bước 3: Có nhiều cách để xử lý áo thun hoặc quần trắng trước khi tiến hành nhuộm. Bạn có 3 sự lựa chọn nhuộm.
Làm áo/quần nhàu và cuộn thành hình tròn và dùng dây thun cố định lại.
Dùng kỹ thuật nhuộm thủ công Shibori của Nhật Bản bằng cách cuộn áo/quần quanh một chiếc gậy gỗ, dùng dây thun cố định lại.
Đặt áo trên nền phẳng, dùng gậy gỗ đặt vào giữa chiếc áo/quần và xoắn đều theo chiều kim đồng hồ cho đến khi món đồ ở dạng xoắn ốc và dùng dây thun cố định lại.
Bước 4: Tiến hành nhuộm màu cho món đồ. Bạn có thể chọn hai hoặc nhiều màu tùy theo sở thích của mình.
Bước 5: Để thành phẩm trong chiếc túi khóa kéo nhựa qua đêm (khoảng 8-10 tiếng).
Bước 6: Pha thuốc hãm màu vào nước ấm khoảng 40-60 độ C.
Bước 7: Ngâm áo hoặc quần vào dung dịch thuốc hãm. Lưu ý, tùy theo từng loại thuốc hãm màu sẽ có thời gian ngâm khác nhau, vì thế, hãy đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì để màu sản phẩm được đẹp nhất.
Bước 8: Giặt sạch lại áo/quần và phơi khô.
Vẽ tay: Kiệt tác thời trang in trên nền vải
Các món đồ cũ trong ngăn tủ của bạn đều có thể trở thành những kiệt tác hội họa đặc sắc. Đặc biệt, những món đồ bằng vải denim cũ kỹ là sự lựa chọn tuyệt vời để tạo nên những nét vẽ bay bổng cho mùa Hè này.
Vật liệu cần chuẩn bị: Áo/quần cũ, hình ảnh mẫu để thiết kế, bút chì và cọ vẽ, màu acrylic (có khả năng chống nước) vẽ trên vải.
Cách thực hiện:
Bước 1: Đặt áo/quần lên trên một mặt phẳng. Sau đó, chọn hình ảnh mẫu để vẽ lên trên vải.
Bước 2: Dùng bút chì tô dọc theo viền của hình mẫu và tạo nền màu trắng cho hình vẽ.
Bước 3: Sau đó, tiến hành tô màu cho hình ảnh.
Bước 4: Để màu vẽ khô trong vài tiếng, giặt sạch và phơi khô.
Upcycle: Thay đổi diện mạo món đồ cũ trong gang tấc
Những đôi giày tưởng chừng như đã lỗi thời hoặc quá đỗi nhàm chán, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thổi nguồn sống mới cho chúng theo sự sáng tạo của riêng mình bằng cách thêm thắt những chi tiết trang trí như chuỗi hạt, tua rua, khuy, đinh tán… hoặc thậm chí là vẽ ảnh graphic trên nền của giày.
Bạn không cần sở hữu khả năng may đo đỉnh cao, điều bạn cần chỉ là khả năng sáng tạo vô hạn cho thiết kế của mình.
Patch-work: Sự hài hòa của những mảng màu khác biệt
Không còn là trào lưu chỉ xuất hiện trong cộng đồng hippe phóng túng với những trang phục đậm chất “bụi phủi” của những cô nàng yêu thích sự phóng khoáng, nổi bật, ngày nay, patch-work được phái đẹp ưa chuộng bởi yếu tố thẩm mỹ độc đáo, vượt phạm vi khuôn khổ, rập khuôn của chuẩn mực trang phục bấy lâu nay từ những mảng màu đa dạng và nhiều họa tiết khác nhau.
Không những thế, bất kỳ ai cũng có thể tự DIY một món đồ thời trang theo kiểu patch-work mà không cần đòi hỏi bất kỳ kỹ thuật may đo bậc thầy nào. Từ những món đồ cũ không còn sử dụng nữa, bạn có thể nảy ra nhiều ý tưởng."
Chẳng hạn, để làm nên một chiếc áo sơmi patch-work độc đáo, bạn có vật liệu cần chuẩn bị gồm kim, chỉ, kéo cắt vải và kéo bấm chỉ; máy may; gthước dây đo; 2 chiếc áo sơmi cũ khác màu nhau.
Cách thực hiện:
Bước 1: Tháo túi áo trên cả hai chiếc áo sơmi ra.
Bước 2: Tiến hành cắt đôi hai chiếc áo sơmi cũ thành hai phần. Lưu ý, 1/2 áo sơmi cần lấy để DIY patch-work phải chừa dư khoảng 2-3 cm ở cả hai chiếc áo.
Bước 3: Lấy số đo phần ngực, eo và lưng trước khi tiến hành ghép áo.
Bước 4: May hai phần của hai chiếc áo sơmi lại với nhau ứng với số đo đã lấy.
Bước 5: May túi áo trên nền màu khác nhau.
Bước 4: Giặt sạch và phơi khô.
Đính hạt: Kỹ thuật đính kết thủ công tinh tế
Thay vì tự tay vẽ trang trí trên món đồ yêu thích của mình, bạn cũng có thể đính hạt thủ công để tạo nên một kiệt tác thời trang cho riêng mình. Bạn có thể sử dụng cách này cho giày dép, quần áo và túi xách.
Chỉ cần dành chút thời gian và chút tỉ mẫn, bạn sẽ biến những món đồ cũ kỹ thành những món đồ tuyệt đẹp theo sở thích của mình. Còn gì tuyệt vời hơn khi mặc những thứ mình tự thiết kế, tự tay thực hiện!/.