Một nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 80% khách nói không muốn trở lại Việt Nam vì những trải nghiệm tồi tệ mà họ gặp phải, như việc bị “lừa dối” khi mua các sản phẩm du lịch. Vì thế, “cách quảng bá tốt nhất là hãy cho du khách một trải nghiệm tốt, để từ một người sẽ lan tỏa ra nhiều người về điểm đến của Việt Nam.”
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia (TAB), thành viên Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh như vậy trong buổi họp báo ngày 23/10 giới thiệu Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2-2019.
[Văn hóa bản địa: Tương lai của 'du lịch xanh' vùng đồng bằng sông Hồng]
Diễn ra vào ngày 9/12 tới đây, tại Hà Nội, Diễn đàn sẽ có các phiên họp chuyên đề diễn ra đồng thời và một phiên toàn thể, tập trung thảo luận các chủ đề: Nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch quốc gia; Cải thiện trải nghiệm du khách trong việc chuẩn bị hành trình và lập kế hoạch tới Việt Nam; Cải thiện trải nghiệm điểm đến cho khách du lịch; Kết nối thị trường hàng không chung.
Theo thông tin từ ban tổ chức, mỗi phiên thảo luận sẽ có khoảng 150-200 khách mời. Đặc biệt, phiên toàn thể có quy mô 2.000 khách, ngoài thảo luận, tìm giải pháp phát triển du lịch, hàng không cùng với việc ký kết biên bản ghi nhớ và thoả thuận hợp tác giữa các bên, ra mắt hai văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh và Australia.
Diễn đàn dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ; đại diện các Bộ, ngành, địa phương cùng lãnh đạo các hãng hàng không quốc gia và các doanh nghiệp hàng không dẫn đầu ASEAN; đại diện tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO; các tỷ phú trong ngành du lịch; doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư trong nước và quốc tế...
Với chủ đề “Để Du lịch Việt Nam thực sự cất cánh,” Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công-tư cấp quốc gia, khu vực của ngành Du lịch để thảo luận những vấn đề, giải pháp, chương trình hành động cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam.
Để giải quyết những vấn đề trên, diễn đàn hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia; thống nhất được các giải pháp cơ bản và chương trình hành động để nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam lên 10-15 bậc tới năm 2021, tăng tỷ lệ đóng góp GDP trực tiếp của du lịch từ 8,39% GDP năm 2018 lên trên 10% GDP năm 2021.
Mặt khác, diễn đàn cũng hướng tới cải thiện các bài toán cấp bách về đầu tư, quảng bá, thu hút khách du lịch từ các thị trường chiến lược và mục tiêu; hiện thực hóa sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung hay còn gọi “Bầu trời mở ASEAN”-trước mắt ưu tiên các nước tiểu vùng sông Mekong.
Được biết, Diễn đàn Cấp cao Du lịch lần đầu tiên đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12/2018 đã thu hút khoảng 1.500 đại biểu tham dự. Trong khuôn khổ diễn đàn này, 5 thỏa thuận thương mại trị giá gần 2 tỷ USD đã được ký kết giữa các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp trong nước./.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Du lịch Việt Nam thời gian qua được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín vinh danh, trao tặng các giải thưởng danh giá, mang tính toàn cầu. Gần đây nhất, ngày 12/10, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 26 khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2019, du lịch Việt Nam nhận được 4 giải thưởng: Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Thành phố Hội An – Thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019. |