Cải cách hệ thống quản lý IMF vẫn chưa có tiến triển

Cải cách hệ thống quản lý IMF là một trong những chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh G-20, dự kiến diễn ra tại Nga trong hai ngày 5-6/9.
Cải cách hệ thống quản lý Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là một trong những chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), dự kiến diễn ra tại thành phố St. Petersburg của Nga trong hai ngày 5-6/9 tới.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ngay từ năm 2010, tại Hội nghị thượng đỉnh ở Seoul, nhóm G-20 đã chấp thuận gói văn kiện về cải cách IMF nhằm phân bổ lại hạn ngạch nghiêng về phía các nước đang phát triển.

Trong đó hạn ngạch cho các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) có thể tăng từ 10% lên 14%.

Trong trường hợp này, số đại diện của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh sẽ giảm đi, và các nước châu Âu sẽ mất hai trong tổng số tám ghế trong Hội đồng Quản trị IMF.

Trước đây, các quyền hạn trong IMF luôn được phân bổ theo tỷ lệ của mỗi quốc gia trong nền kinh tế thế giới, nay đã có sự chênh lệch rõ ràng.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục nghiên cứu kinh tế của Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Anatoly Bazhancho biết tiềm năng kinh tế của các nước đang phát triển đang tăng lên nhanh chóng, do vậy ảnh hưởng của các quốc gia này đến các quyết định của IMF cũng phải tương ứng.

Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra vì Mỹ và các nước phát triển khác không muốn mất quyền lực trong IMF, bởi số phiếu bầu của Mỹ và các nước này lớn hơn nhiều so với các nước đang phát triển.

Trước đó, các thành viên G-20 tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này vào tháng 1/2013, nhưng cuộc đàm phán vẫn chưa có tiến triển mới do lập trường của Washington, mà sau cuộc cải cách IMF, Mỹ sẽ chỉ mất 0,3% hạn ngạch của nước này.

Hiện nay trong quỹ IMF chỉ còn lại 400 tỷ USD. Trong khi đó, quỹ dự trữ ngoại hối của Nga là hơn 500 tỷ USD, Trung Quốc là 3.000 tỷ USD.

Với nguồn dự trữ lớn như vậy, các nước đang phát triển có thể góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu chính của IMF cấp tín dụng cho các nước có nhu cầu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.