Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI sẵn sàng hợp tác với các bộ, ngành, doanh nghiệp cũng như địa phương để tiếp tục có những đóng góp vào việc cải cách của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo: “Công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp.”

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI cùng với các tổ chức xã hội đã triển khai lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp để đánh giá chất lượng thực hành công vụ và thực hiện cải cách hành chính của các bộ, ngành. Hiện, VCCI và các hiệp hội vẫn đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động này.

Những thông tin từ báo cáo sẽ là những đóng góp cho việc tổng kết Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, cũng như cung cấp thông tin cho việc soạn thảo các Nghị quyết mới của Chính phủ trong thời gian tới.

Ông Lộc hy vọng, các địa phương, bộ, ngành triển khai việc lấy ý kiến doanh nghiệp, qua đó có những đánh giá của doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính. VCCI sẵn sàng hợp tác với các bộ, ngành, doanh nghiệp cũng như địa phương để tiếp tục có những đóng góp vào việc cải cách của Việt Nam trong thời gian tới.

"Hơn ai hết, doanh nghiệp là người cảm nhận rõ nhất về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm qua. Việc thủ tục hành chính có tạo thuận lợi hay không, việc thanh, kiểm tra có trùng lặp hay không, có bị nhũng nhiễu tiêu cực hay không, chi phí không chính thức ảnh hưởng tới doanh nghiệp như thế nào, quy trình pháp lý giải pháp có hiệu quả không,... doanh nghiệp là người nắm rõ nhất," ông Lộc nói.

Qua khảo sát của VCCI, nhìn chung các doanh nghiệp đều nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương.

Không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nhiều nỗ lực hơn nữa từ các bộ, ngành và địa phương đưa ra, nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để có tác động tới doanh nghiệp. Khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng vẫn còn tương đối xa.

[42% số doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh]

VCCI cho biết đã tổ chức khảo sát khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh về các lĩnh vực khác nhau của Nghị quyết 19. Theo đó, phiếu khảo sát đưa ra câu hỏi cho doanh nghiệp: doanh nghiệp có nhận thấy sự cải thiện trong 11 lĩnh vực được liệt kê (10 lĩnh cực của Nghị quyết 19; trong đó lĩnh vực thuế được chia thành thủ tục hành chính thuế và bảo hiểm xã hội).

Kết quả, hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp được xem là không có cải thiện đáng kể.

Kết quả trung bình cộng cảm nhận của doanh nghiệp về 11 lĩnh vực được khảo sát có thể cung cấp một thước đo sơ bộ về nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19 tại các địa phương. Theo đó, một số tình thành phố được cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá cao như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Định, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, An Giang, Long An. Khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận tích cực nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, vấn đề tiếp cận điện năng là một trong 2 lĩnh vực được doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong Nghị quyết 19. Theo đó, thủ tục và thời gian đấu nối điện có cải thiện đáng kể, từ 6 bước, 115 ngày xuống 4 bước, 31 ngày.

Hạ tầng ngành điện được đánh giá là tốt thứ hai của Việt Nam chỉ sau hạ tầng mạng điện thoại. Nhờ đó độ ổn định điện năng tăng đáng kể, mất điện giảm cả số lần và thời gian. Năm 2012 mất điện trung bình 8.000 phút/khách hàng, nay chỉ còn 235 phút/khách hàng.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, bài học thành công của EVN là trong vòng 5 năm qua, EVN đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của cán bộ công nhân viên ngành điện và sự phối hợp rất tích cực của các tỉnh, thành phố trong công tác triển khai tiếp cận điện năng.

Với mục tiêu cung cấp dịch vụ điện năng ngày một tốt hơn, hoàn hảo hơn và văn minh hơn, ngoài việc thay đổi quy trình nội bộ, thay đổi nhận thức của cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn, EVN còn đề xuất các bộ, ngành cắt giảm các thủ tục hành chính, đề nghị với ủy ban nhân dân các tỉnh phối hợp với EVN để triển khai việc kết nối liên thông cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp ảnh 1Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Phan Thanh Vũ/TTXVN)

Theo , cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho các bộ trong Nghị quyết 19. Việc thực hiện nhiệm vụ này ở các bộ có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10 vừa qua đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành thuộc các lĩnh vực công thương, xây dựng, thương binh và xã hội, văn hóa thể thao và du lịch, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp,...

Đối với một số cơ quan, Nghị quyết 19 lần đầu tiên đặt chất lượng điều hành tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh so sánh với thế giới. Điều này tác động mạnh mẽ về nhận thức của nhiều lãnh đạo, cán bộ các cơ quan nhà nước về trách nhiệm cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia.

Hơn nữa, nghị quyết 19 đặt mục tiêu định lượng và có tính so sánh với các nước ASEAN giúp tạo áp lực cải cách cho các cơ quan nhà nước và việc cải cách phải thực chất hơn. Nghị quyết 19 cũng đóng vai trò động lực để đẩy nhanh quá trình cải cách, giảm bớt lực cản để đạt được thành công.

Trong khi đó, Nghị quyết 35 tiếp tục hướng sự quan tâm của các cấp chính quyền đến vai trò và sự phát triển của các doanh nghiệp dân doanh trong nước.

Nhà nước lúc này thay vì chỉ đạo trực tiếp các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh, chuyển sang vai trò kiến tạo, hỗ trợ để các doanh nghiệp dân doanh phát triển.

Nghị quyết 35 cũng giúp tạo lập cơ chế phối hợp tổng thể trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tránh tình trạng xé lẻ, manh mún như trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.