Cải tiến và rút gọn quy trình tổng hợp thuốc điều trị COVID-19

Việc xây dựng thành công quy trình tổng hợp Favipiravir theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai của các nhà khoa học Việt Nam.
Cải tiến và rút gọn quy trình tổng hợp thuốc điều trị COVID-19 ảnh 1Thuốc Favipiravir. (Nguồn: EPA)

Các nhà khoa học của Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa công bố nghiên cứu thành công phương pháp mới giúp cải tiến và rút gọn quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir (một loại thuốc điều trị COVID-19) trong phòng thí nghiệm.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học, cho biết trước tình hình cấp bách về thuốc điều trị COVID-19, theo chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tháng 8/2020, Viện Hóa học đã tổ chức một nhóm nghiên cứu gồm các cán bộ phòng Hóa Dược, phòng Nghiên cứu Phát triển Dược phẩm và nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Trần Quang Hưng để xây dựng và triển khai nhiệm vụ "Nghiên cứu quy trình tổng hợp hiệu quả Favipiravir sử dụng trong điều trị COVID-19."

Sau 6 tháng, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành quy trình tổng hợp Favipiravir trên quy mô phòng thí nghiệm.

Hơn thế nữa, trên cơ sở những quy trình đã công bố trước đó, nhóm nghiên cứu đã cải tiến và rút gọn được 4 bước và sử dụng nguyên liệu dễ kiếm, rẻ hơn.

Favipiravir là một thuốc kháng virus được sử dụng lâm sàng từ năm 2014 để điều trị bệnh cúm Nhật Bản, Ebola…

Thuốc có cơ chế tác dụng ức chế enzym RNA-polymerase ngăn chặn sự nhân lên của virus, tương tự như thuốc chống COVID-19 Remdesivir nhưng dùng được theo đường uống.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 12/2019, để nhanh chóng tìm ra một loại thuốc điều trị, các nhà khoa học đã tiến hành sàng lọc và phát hiện một số thuốc có hiệu quả ngăn chặn sự phát triển của COVID-19 trong đó có Favipiravir.

[Việt Nam tổng hợp thành công thuốc Favipiravir trong điều trị COVID-19]

Trên cơ sở đó, từ tháng 2/2020, Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng Favipiravir để điều trị COVID-19.

Sau đó, các nước Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy… cũng lần lượt cấp phép sử dụng loại thuốc này để điều trị COVID-19.

Việc xây dựng thành công quy trình tổng hợp Favipiravir theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ hóa dược, tiến tới tự chủ được nguồn nguyên liệu thuốc điều trị COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tuyến cho biết: "Tới đây, để bổ sung các loại thuốc có khả năng điều trị COVID-19 bên cạnh chiến lược vaccine, chúng tôi đề xuất tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và nâng cao quy trình này lên quy mô cao hơn, lập hồ sơ đăng ký thử nghiệm lâm sàng và tiến tới cấp phép sử dụng tại Việt Nam"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.