Campuchia bị thâm hụt thương mại hơn 1,6 tỷ USD

Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia tăng 26%, giá trị nhập khẩu tăng 13% dẫn đến việc nước này bị thâm hụt thương mại 1,62 tỷ USD.

Theo Bộ Thương mại Campuchia, nước này đã thâm hụt thương mại 1,62 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay.

Từ tháng Một đến tháng 11/2013, kim ngạch xuất nhập khẩu của Campuchia tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 14,32 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của xứ chùa Tháp tăng 26% lên 6,38 tỷ USD và giá trị nhập khẩu tăng 13% lên khoảng 8 tỷ USD, dẫn đến việc nước này bị thâm hụt thương mại 1,62 tỷ USD.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Campuchia, Kang Chandararot cho biết, thương mại gia tăng là nhờ hoạt động kinh tế của Campuchia và các đối tác kinh doanh của đất nước này ngày càng tốt hơn.

Theo ông Kang Chandararot, "đó là một dấu hiệu tốt đối với nền kinh tế, khi có nhiều sản phẩm đã được bán ở nước ngoài." Tuy vậy, Campuchia cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu để giảm thâm hụt thương mại.

Quốc gia Đông Nam Á này chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, cao su khô, gạo, sắn lát; và nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất đồ dệt may, xăng dầu, vật liệu xây dựng, ôtô, xe máy, các sản phẩm tiêu dùng, dược phẩm và mỹ phẩm.

Thế mạnh của nền kinh tế Campuchia là xuất khẩu hàng may mặc, du lịch, nông nghiệp và xây dựng. Các sản phẩm may mặc chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Các đối tác thương mại chính của Campuchia là Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Malaysia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.