Campuchia-Thái Lan sẽ lập đặc khu kinh tế vùng biên

Hai nước Campuchia và Thái Lan ngày 11/6 đã nhất trí cộng tác hướng tới việc thành lập hai đặc khu kinh tế tại các vùng biên giới.
Ngày 11/6, cuộc họp đầu tiên của Ủy ban chung về phát triển và kết nối khu vực biên giới Thái Lan-Campuchia diễn ra tại Phnom Penh đã kết thúc.

Hai bên nhất trí thiết lập hai vùng đặc khu kinh tế tại khu vực biên giới chung, nhằm thúc đẩy giao thương và đầu tư, giúp nâng cao đời sống của người dân tại các khu vực này.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc họp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cho biết hai đặc khu kinh tế sẽ được xây dựng tại tỉnh Banteay Meanchey giáp tỉnh Sa Kaeo của Thái Lan, và tại tỉnh Koh Kong của Campuchia tiếp giáp với tỉnh Trat của Thái Lan. Hai bên cũng nhất trí xây dựng một nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất 1.800 MW tại Koh Kong.

Thái Lan và Campuchia sẽ tổ chức các lớp dạy tiếng Khơme và tiếng Thái cho người dân sinh sống dọc biên giới để họ có thể làm việc tại các đặc khu kinh tế và nhà máy nhiệt điện sau này. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và 4 cửa khẩu quốc tế đặt tại 4 tỉnh nói trên sẽ sớm được xây dựng. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, y tế và phòng chống tội phạm xuyên biên giới.

Tại cuộc họp báo, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nhấn mạnh rằng nỗ lực hợp tác của hai bên sẽ thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng tại khu vực biên giới chung. Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo ngoại giao của hai nước đã ký một thỏa thuận sơ bộ, cho phép nông dân tại các khu vực này trao đổi nông sản.

[Campuchia-Thái Lan lần đầu bàn phát triển biên giới]


Đây là cuộc họp của đầu tiên Ủy ban chung về phát triển và kết nối khu vực biên giới Thái Lan-Campuchia, được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhằm thúc đẩy quan hệ và hợp tác song phương. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực cải thiện quan hệ vốn căng thẳng do tranh chấp chủ quyền đối với vùng đất quanh ngôi đền cổ Preah Vihear tại khu vực biên giới hai nước. Dự kiến, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) sẽ ra phán quyết về chủ quyền đối với khu đất tranh chấp nói trên vào cuối năm nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.