Ngân hàng Phát triển Nông thôn (RDB) thuộc sở hữu quốc doanh của Campuchia vừa tung ra gói tín dụng, trị giá 50 triệu USD, nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong lĩnh vực nông nghiệp của nước này tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Phát biểu tại buổi lễ công bố gói tín dụng mới, Giám đốc điều hành RDB Kao Thach cho biết hơn 500.000 SME địa phương có thể vay vốn của RDB để tăng năng suất và cải thiện khả năng cạnh tranh. Các SME có thể vay lên tới 300.000 USD với lãi suất 6%/năm để tăng vốn và lãi suất 5% để đầu tư.
Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Campuchia (CWEA) Eng Lykuong cho biết gói vay mới của RDB sẽ phát huy tác dụng đối với các SME trong nước và khoản vay 300.000 USD có thể giúp chủ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Theo một báo cáo của Công ty Tài chính Quốc tế công bố tháng 8/2019, các nữ doanh nhân Campuchia tiếp tục gặp khó khi tiếp cận nguồn tài chính để mở rộng kinh doanh. Chỉ 3% trong số này vay được vốn từ các tổ chức tín dụng nhỏ và ngân hàng.
Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng nhu cầu tín dụng chưa được đáp ứng của các nữ doanh nhân Campuchia hiện ở mức 4,2 tỷ USD, tương đương gần 63% ngân sách quốc gia đạt 6,7 tỷ USD của Campuchia năm 2019.
Điều tra mới đây của Bộ Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp của Campuchia về 71 doanh nghiệp cho thấy những doanh nghiệp này đều cần trợ giúp về nghiên cứu thị trường, phát triển dịch vụ, đóng gói, tiếp nhận công nghệ, nguồn nhân lực, tiếp cận lao động, tiếp cận nguồn tài chính, đăng ký kinh doanh, thuế quan và cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh.
Ngân hàng SME của Campuchia dự kiến cũng sớm tung ra gói tín dụng hỗ trợ các SME.
[Campuchia đóng cửa toàn bộ các quán karaoke, rạp chiếu phim]
Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực trên thế giới đang đối mặt với suy thoái nghiêm trọng do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Bộ Quản lý Đất đai, Quy hoạch Đô thị và Xây dựng Campuchia cho biết ngành xây dựng tại nước này vẫn ổn định.
Báo Khmer Times dẫn lời người phát ngôn Bộ trên Seng Lot nói rằng trên thực tế, "điểm sáng" trong triển vọng ảm đạm hiện nay là các dự án xây dựng trên đà tăng tại Campuchia.
Một số chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm một nửa trong năm nay, nhưng các dự án xây dựng tại Campuchia không trong tình cảnh như vậy.
Theo ông Seng Lot, hơn 500 dự án xây dựng được Bộ Quản lý Đất đai, Quy hoạch Đô thị và Xây dựng Campuchia cấp phép tính đến cuối tháng 2/2020. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 300 dự án bị "treo" và như vậy ngành này không bị tác động tiêu cực.
Ông Seng không tiết lộ số vốn đầu tư vào các dự án xây dựng, song cho biết ba nhà đầu tư lớn nhất vào ngành này lần lượt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù số trường hợp mắc COVID-19 tại Campuchia tăng, nhưng không có dự án xây dựng lớn nào bị hoãn.
Ngành xây dựng Campuchia đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Theo số liệu chính thức của Bộ Quản lý Đất đai, Quy hoạch Đô thị và Xây dựng Campuchia, đầu tư vào ngành này đạt khoảng 11 tỷ USD năm 2019, tăng gần 90% so với mức 5,5 tỷ USD năm 2018.
Kim Heang, người phụ trách điều hành khu vực của Công ty bất động sản Keller William Cambodia có trụ sở tại Mỹ, cho rằng tác động của COVID-19 có thể mang đến "cơ hội vàng" cho các công ty xây dựng biết nắm bắt thời cơ, khi giá nguyên vật liệu xây dựng và chi phí lao động giảm, cùng thời điểm các nhà phát triển bất động sản được Chính phủ Campuchia miễn thuế trước bạ 4% tính từ tháng 2/2020-1/2021./.